Từ những đặc điểm của nguồn vốn nước ngoài và thực trạng thu hút nguồn vốn này trong thời gian qua, theo đồng chí, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới cần tập trung những vấn đề gì?

 

Từ những đặc điểm của nguồn vốn nước ngoài và thực trạng thu hút nguồn vốn này trong thời gian qua, theo đồng chí, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới cần tập trung những vấn đề gì?

Vốn đầu tư nước ngoài có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đó vừa là nguồn bổ sung vốn cho đầu tư, vừa là một cách để chuyển giao công nghệ, cũng là một giải pháp tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để có thể huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới thì cần phải hiểu rõ đặc điểm của nguồn vốn nước ngoài và thực trạng thu hút nguồn vốn này trong thời gian qua, cụ thể như sau:

*Về đặc điểm các nguồn vốn nước ngoài

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Đây là nguồn vốn do tư nhân nước ngoài đầu tư vào một nước khác nhằm mục tiêu lợi nhuận. Nước tiếp nhận FDI không phải chịu trách nhiệm hoàn trả vốn và lãi suất như trường hợp đi vay vốn ngoài nước. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thông qua FDI phải trực tiếp bảo toàn đồng vốn, phát triển đồng vốn (sinh lời); chịu toàn quyền sử dụng đồng vốn và kết quả sản xuất - kinh doanh nếu doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; chấp hành luật pháp của nước tiếp nhận đầu tư.

Thông qua huy động FDI, các nước tiếp nhận đầu tư có thể bù đắp sự thiếu hụt vốn do tiềm lực trong nước hạn hẹp; lựa chọn được công nghệ hợp lý; tiếp thu phương thức quản lý, kinh doanh hiện đại từ các quốc gia đầu tư FDI;... Những lợi ích FDI đem lại sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, FDI cũng tiềm tàng những rủi ro cho các nước tiếp nhận, đó là: công nghệ chuyển giao vào nước đang phát triển thường là công nghệ lạc hậu; dễ xảy ra tình trạng bị thôn tính thị trường; các doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường…

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Đây là nguồn tài chính do cơ quan chính thức của Chính phủ một nước và các tổ chức tài chính kinh tế viện trợ cho Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

ODA có thể phân thành hai loại:

(1) ODA không hoàn lại. Là khoản viện trợ không hoàn lại, có nghĩa là, nước tiếp nhận ODA không phải hoàn trả bất kỳ một phần giá trị nào sau khi đã tiếp nhận ODA.

(2) ODA hoàn lại: Là khoản viện trợ có hoàn lại, có nghĩa là, sau khi tiếp nhận ODA, đến kỳ hạn nhất định nước tiếp nhận phải hoàn trả gốc và lãi cho chính phủ đã viện trợ. Nước tiếp nhận được hưởng một số chế độ ưu đãi đặc biệt như lãi suất vay thấp, thời gian vay dài và có sự ân hạn (gia hạn nợ, giãn nợ và xóa nợ) từ phía đối tác viện trợ ODA, nếu vì lý do khách quan. Tuy nhiên, khi huy động ODA cần phải hiểu rõ những điều kiện ràng buộc từ phía nhà tài trợ để tránh những rủi ro khi huy động nguồn vốn ODA.

Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII): Là nguồn vốn do tư nhân nước ngoài đầu tư thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá vào một nước khác. Nước tiếp nhận đầu tư có thể huy động được vốn với thời gian ngắn, được toàn quyền quản lý, sử dụng đồng vốn theo mục đích của mình. Nhưng, mặt trái của nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là nước tiếp nhận đầu tư phải chịu lãi suất cao theo lãi suất của thị trường và dễ gặp rủi ro nếu vấp phải tình trạng đầu cơ cổ phiếu, trái phiếu...

Nguồn vốn của các Tổ chức phi chính phủ (NGO): Nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ viện trợ cho các nước đang phát triển nhằm mục đích tương trợ và giúp đỡ mang tính chất nhân đạo; giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế - xã hội, nhất là về cuộc sống của một bộ phận dân cư thuộc các nước đang và kém phát triển.

Nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm: Tháng 06/2006, Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực đã tác động trực tiếp đến nguồn kiều hối, cụ thể là việc mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân. Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh.

Thời gian qua, Việt Nam đã đa dạng hóa trong huy động nguồn vốn  nước ngoài đầu tư cho phát triển, đã thu được một số kết quả sau đây:

-Về huy động vốn đầu tư: Trong thời gian qua, Việt Nam đã huy động được lượng vốn ngày càng lớn đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đầu tư từ ngân sách nhà nước/GDP giảm dần, vốn ngoài nhà nước và vốn nước ngoài tăng. Nguồn vốn trong nước và nước ngoài đã phát huy tác dụng, nhất là nguồn vốn tư nhân, vốn FDI góp phần hình thành nhiều ngành nghề và lĩnh vực mới, thu hút lao động, mở rộng thị trường quốc tế... Cơ chế, chính sách được xây dựng và hoàn thiện bước đầu đáp ứng yêu cầu huy động các nguồn vốn (ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, dân cư) phục vụ mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chính sách tài chính và chính sách tiền tệ được đổi mới và từng bước hoàn thiện...

-Về phân bổ, sử dụng vốn đầu tư: Từng bước đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển các ngành, vùng, thành phần kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng cao, liên tục và ổn định trong nhiều năm. Nhà nước dành một lượng vốn đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, nâng cao mức sống của dân cư, giảm nghèo và phát triển xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong huy động, sử dụng vốn đầu tư, thể hiện ở chỗ:

Chưa huy động tổng lực và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững; Năng lực sử dụng vốn hạn chế; đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa cao; phân bổ, sử dụng vốn đầu tư còn bị thất thoát, lãng phí; chưa xây dựng cơ chế, chính sách hữu hiệu đáp ứng yêu cầu huy động, sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn vốn ngoài nước, nhất là vốn ODA, FDI, đảm bảo chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững nền kinh tế.

Năng lực huy động, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư còn hạn chế, nền kinh tế vẫn luôn trong tình trạng “khát vốn”, cần lượng vốn lớn; vốn trong dân cư còn nhiều. Sử dụng vốn đầu tư phát triển còn nhiều hạn chế và yếu kém. Hiệu quả đàu tư không cao, hệ số ICOR (chỉ tiêu hiệu quả sử dụng vốn) còn cao.

         Để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề sau:

         -Về huy động và phân bổ vốn: Nghị quyết Đại hội XII chỉ rõ: “Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta", do vậy cần đa dạng hóa các nguồn và các kênh huy động vốn.  Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cũng khẳng định: “Phải hiểu rõ mô hình tăng trưởng mà nước ta đổi mới, xây dựng là mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường”. Nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn nước ngoài là quan trọng.

Bên cạnh đó cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp có tính định hướng sau đây:

-Một là, tạo lập môi trường đầu tư, xây dựng hệ thống pháp lý tiệm cận với quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

-Hai là, tổ chức đánh giá tiềm năng về vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến khu vực tư nhân, từ đó có chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, khơi dậy các nguồn vốn.

-Ba là, tăng cường thu hút nguồn vốn từ bên ngoài. Đối với nguồn vốn ODA, tập trung hoàn thành các chương trình, dự án này theo đúng tiến độ và thời hạn cam kết. Cần nâng cao chất lượng các dự án FDI, vừa đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, vừa hiện đại hóa được nền sản xuất trong nước. Tiếp tục khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước bằng những chính sách ưu đãi hợp lý.

-Bốn là, phát triển thị trường vốn, mà cốt lõi là thị trường chứng khoán, đây là trung tâm huy động mọi nguồn vốn tiết kiệm từ dân cư, vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, chính phủ...

-Năm là, tăng cường chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong khai thông những ách tắc các dòng vốn đầu tư, trước hết là nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách vĩ mô có liên quan đến việc huy động các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.


Post a Comment

0 Comments