Đánh giá về việc thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng) của nước ta trong thời gian qua.

 

Đánh giá về việc thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng) của nước ta trong thời gian qua.

1. Đối với tái cơ cấu đầu tư công

a) Những kết quả đạt được

-Một là, quy mô chi tiêu đầu tư công đã được mở rộng liên tục để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ này. Trong thời kỳ lạm phát cao (2010 - 2011), Chính phủ đã phải thắt chặt chi tiêu công, trong đó có chi đầu tư công.

- Hai là, tái cơ cấu đầu tư công đã được thực hiện theo đúng định hướng, tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội và trên GDP đã giảm dần. Thực tế giai đoạn vừa qua tỷ trọng chi đầu tư công trong tổng chi đầu tư toán xã hội giảm dần. Trong thời kỳ 2011 - 2017, tỷ trọng chi đầu tư công trên GDP tương đối ổn định nhưng đã có xu hướng giảm.

-Ba là, cơ cấu đầu tư công đã được chuyển dịch sang những ngành bảo đảm tính bền vững của tăng trưởng. Một số ngành tạo vốn vật chất và vốn con người đã được Nhà nước ưu tiên đầu tư, có tốc độ tăng trưởng vốn trong thời kỳ này khá cao.

b) Một số tồn tại

- Một là, tái cơ cấu đầu tư công diễn ra chậm. Sự chậm trễ trong việc ban hành chính sách tái cơ cấu đầu tư công và từ phía các cơ quan tổ chức thực thi các chính sách tái cơ cấu đầu tư công.

- Hai là, tái cơ cấu đầu tư công chưa hiệu quả, chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, chưa tập trung vào các dự án trọng điểm. Tình trạng dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn kéo dài gây lãng phí, kém hiệu quả. Trong giai đoạn này, hệ số ICOR trung bình của nền kinh tế là 5,9 và của khu vực nhà nước là 8,52.

- Ba là, tái cơ cấu đầu tư công tác động tới tăng trưởng kinh tế không lớn, không tạo ra tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế trong những năm từ 2011 - 2017 đạt mức thấp lần lượt là: 5,03%, 5,42%, 5,98%, 6,68%, 6,21%, 6,81%.

2. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

a) Kết quả đạt được

-Thứ nhất, về sắp xếp, cổ phần hóa: Từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp (bằng 79,37% kế hoạch) và sắp xếp theo các hình thức khác 63 doanh nghiệp.

-Thứ hai, về thoái vốn Nhà nước: Lũy kế từ năm 2012 đến 28/10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỷ đồng (bằng 37% kế hoạch), thu về 9.540 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 7.746 tỷ đồng, thu về 13.330 tỷ đồng.

-Thứ ba, về bán đấu giá cổ phần lần đầu: Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết ngày 20/10/2015 có 93 doanh nghiệp cổ phần hóa bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số lượng cổ phần chào bán là 836.227.509 cổ phiếu, trị giá 8.367 tỷ đồng. Số cổ phiếu bán được là 318.595.743 cổ phiếu, trị giá 4.683,8 tỷ đồng, đạt 38% tổng số lượng cổ phần chào bán. Trong tổng số 93 doanh nghiệp IPO có 55 doanh nghiệp bán đạt trên 90% tổng số cổ phần chào bán.

b) Một số tồn tại

- Tuy đã giảm mạnh về số lượng, nhưng DNNN và doanh nghiệp do nhà nước giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn còn ở không ít ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, làm cho DNNN chưa tập trung tối đa vào những lĩnh vực cần thiết.

- Tỷ lệ vốn nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa và sau khi thoái vốn còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã đề ra.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả IPO của 426 DNNN cổ phần hóa: Có 254 DNNN, chiếm 60%, bán được hết cổ phần và 172 DNNN, chiếm 40%, không bán được hết cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt.

Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2015 có 128 doanh nghiệp IPO bình quân bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán. Có 63% số doanh nghiệp, Nhà nước còn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại doanh nghiệp, Nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 9,5%, Nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,3%, Người lao động và tổ chức công đoàn nắm giữ 2,2%.

- Hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Năng lực quản trị, điều hành còn yếu kém; vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế còn hạn chế.

Một số DNNN có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao. Theo báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng Công ty, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần, tuy nhiên có 25 Tập đoàn, Tổng Công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hơn 3 lần, như Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội 17,3 lần, Tổng Công ty 36 là 15,41 lần, Tổng Công ty Thái Sơn là 9,94 lần, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam 8,89 lần…

- Một số DNNN hết năm 2015 chưa hoàn thành cổ phần hóa theo tiến độ đề ra, nhiều DNNN đã cổ phần hóa nhưng chậm niêm yết, đăng ký giao dịch theo quy định. Công tác giải thể, phá sản doanh nghiệp mất nhiều thời gian, có trường hợp kéo dài trên 10 năm. Giai đoạn 2011-2015 chỉ có 9 doanh nghiệp phá sản, vẫn còn doanh nghiệp thua lỗ kéo dài chưa xử lý dứt điểm.

3. Đối với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

a) Kết quả đạt được

-Thứ nhất, cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các mục tiêu đến năm 2015 trong đề án tái cơ cấu các TCTD đã được thực hiện. Thành công nhất là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo ổn định ngành, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề thiếu thanh khoản của hệ thống được giải quyết.

-Thứ hai, từng bước giảm bớt số lượng các NHTM thông qua tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam. Được đánh giá là một ưu điểm sáng khi thực hiện tái cơ cấu không dùng đến NSNN.

-Thứ ba, chất lượng hoạt động của các NHTM đã được cơ cấu lại có một số chuyển biến tích cực. Cho đến nay, tất cả các phương án tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện.

-Thứ tư, đã bước đầu thực hiện sắp xếp lại các TCTD phi NH và Quỹ Tín dụng Nhân dân. NHNN đã chỉ đạo xây dựng và trình NHNN phương án tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam, đồng thời đề nghị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng thương mại này.

-Thứ năm, tăng cường năng lực tài chính đối với các TCTD. Năng lực tài chính của hệ thống từng bước được lành mạnh thông qua tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu mặc dù các TCTD gặp rất nhiều khó khăn.

-Thứ sáu, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và ngân hàng, nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD.

b) Một số tồn tại 

-Một là, quá trình cơ cấu lại tài chính của các ngân hàng bị chậm trễ và không đạt mục tiêu đề ra.

-Hai là, xử lý sở hữu chéo trong các TCTD còn lúng túng và không đạt hiệu quả.

Hiện nay, xử lý sở hữu chéo đang là một trong hai vấn đề nổi cộm và nan giải nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam bên cạnh việc xử lý nợ xấu. Hệ thống các TCTD Việt Nam hiện đang tồn tại 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau và có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

-Ba là, quá trình cơ cấu lại hoạt động và quản trị của các NHTM còn chậm, chưa đạt yêu cầu của mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Bốn là, quá trình sáp nhập, hợp nhất và mua lại các TCTD còn chậm trễ và không đạt mục tiêu đề ra.

4. Các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế

- Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, cắt giảm điều kiện kinh doanh và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; trong đó đặc biệt lưu ý đến tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

- Thứ hai, rà soát, hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất. Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn, khống chế về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; nâng đến mức đáng kể hoặc xóa bỏ hạn điền sử dụng, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Đồng thời, đánh thuế lũy tiến đối với đất bị bỏ hoang, đất không sử dụng như mục đích đã định.

- Thứ ba, tập trung xây dựng chính sách phát triển các ngành kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành. Trước mắt tập trung một số ngành như du lịch, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ ô tô và nông nghiệp công nghệ cao.

- Thứ tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt với các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế.

- Thứ năm, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, đồng thời có những biện pháp cụ thể để nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN. Với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ giao các chỉ tiêu bắt buộc đối với các lãnh đạo DNNN về các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên vốn.

- Thứ sáu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính.

- Thứ bảy, cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 


Post a Comment

0 Comments