Sau 25 năm đổi mới (1986 - 2010), Việt Nam đã đạt được những thành tựu
to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân
hơn 7%/ năm, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên trở
thành nước có thu nhập trung bình thấp. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch phù hợp
với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các ngành công nghiệp và dịch vụ đã
chiếm gần 80% tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2010.
Các lĩnh vực kinh tế đối ngoại như xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp
nước ngoài (FDI), xuất khẩu lao động, du lịch… được chú trọng phát triển và có
đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Trong lĩnh vực xã hội, Việt Nam là một
trong những quốc gia triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế gắn
với xóa đói giảm nghèo. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu
Phát triển Thiên niên kỷ và được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những
điển hình sử dụng thành công các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức cho các mục
tiêu phát triển xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng đứng trước nhiều
thách thức to lớn trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa 2011 -
2020. Đó là:
-Thứ nhất, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) và sức cạnh tranh của
nền kinh tế còn hạn chế (hệ số ICOR của Việt Nam đã tăng từ 6 giai đoạn 2001 -
2005 lên 6,7 giai đoạn 2008 - 2010); theo xếp hạng của ngân hàng thế giới (WB),
chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 75/139. Điều đó đã hạn
chế nhiều đến cơ hội phát triển của Việt Nam.
-Thứ hai, kinh tế Việt Nam vẫn ở trình độ gia công. Cơ cấu kinh tế
Việt Nam thay đổi đáng kể với đóng góp lớn của công nghiệp, nhưng cho đến nay,
lợi thế của Việt Nam vẫn là lao động giá rẻ. Trong môi trường cạnh tranh ngày
nay, lợi thế này đang giảm nhanh chóng. Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở
thành nước công nghiệp, song đến nay nhiều ngành trong nền kinh tế vẫn còn ở
trình độ lắp ráp, gia công cho nước ngoài. Tăng trưởng của nền kinh tế đang lệ
thuộc vào các nguồn lực bên ngoài.
-Thứ ba, Việt Nam phải đối phó với một số vấn đề về ổn định kinh
tế vĩ mô, đáng chú ý là lạm phát có xu hướng tăng cao trong một số thời điểm nhất
định (như năm 2008: 19,87% và năm 2011: 18,13%).
-Thứ tư, tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách
giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; nhiều vùng còn nhiều khó khăn,
có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có vùng còn 60% - 70% hộ nghèo. Tỷ trọng
hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập
bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân cả nước.
-Thứ năm, khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 đã
góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế thế giới với những đặc trưng chủ
yếu, đó là: Chuyển đổi tư duy phát triển từ chú trọng tốc độ tăng trưởng kinh tế
sang tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện; Chuyển đổi mô hình kinh tế ở cấp
độ quốc gia, trong đó ưu tiên các mô hình kinh tế mang tính bền vững và thân
thiện với môi trường, các chính sách kinh tế gắn với an sinh xã hội và tạo việc
làm; Chuyển dịch các mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị với sự nổi lên của khu
vực Châu Á - Thái Bình Dương; Tăng cường các hình thức liên kết kinh tế thế giới
và khu vực, chú trọng yếu tố kết nối giữa các nền kinh tế. Từ những đòi hỏi cấp
thiết của nền kinh tế và phù hợp với xu hướng tái cơ cấu kinh tế thế giới, Việt
Nam đã xác định tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo
hướng bền vững là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Chủ
trương này được cụ thể hóa bởi Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển
đổi mô hình tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2 năm 2013
cùng với các Đề án chuyên biệt tái cơ cấu một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh
tế.
Nội dung tái cơ cấu
kinh tế 2011 - 2015
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương, Khoá XI (10/2011)
nhấn mạnh tái cơ cấu kinh tế “phải gắn với đổi
mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh
tranh; phải được thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên
phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở trong nhiều năm”. Tái cơ cấu
kinh tế là quá trình lâu dài, diễn ra trong nhiều năm, ở qui mô toàn bộ nền
kinh tế và được chia làm nhiều giai đoạn với nhiệm vụ trọng tâm cụ thể của từng
giai đoạn.
Trong năm năm
(2011 - 2015) tái cơ cấu kinh tế được tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng
nhất là: “Tái cơ cấu đầu tư với
trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái
cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh
nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”.
Việc tái cơ cấu
toàn bộ nền kinh tế và tái cơ cấu ba lĩnh vực quan trọng có quan hệ mật
thiết với nhau. Tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính và tái cơ
cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ làm tiền đề để tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Tái
cơ cấu nền kinh tế sẽ thúc đẩy tái cơ cấu ba lĩnh vực này.
0 Comments