Ý nghĩa của chỉ số ICOR trong quá trình tăng trưởng nền kinh tế. Muốn nâng cao hệ số ICOR, Chính phủ cần làm gì?

 

Ý nghĩa của chỉ số ICOR trong quá trình tăng trưởng nền kinh tế. Muốn nâng cao hệ số ICOR, Chính phủ cần làm gì?

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Hệ số ICOR là một trong những chỉ tiêu phản ánh tập trung mối quan hệ giữa đầu tư với tăng trưởng kinh tế. ICOR là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư  là một trong những cơ sở để rà soát và sửa đổi mục tiêu đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả về chất lượng sử dụng vốn đầu tư và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Giữa đầu tư và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ vận động và chuyển hóa thông thường mối quan hệ này theo chiều thuận, nghĩa là vốn đầu tư tăng sẽ dẫn đến gia tăng mức tăng trưởng kinh tế, làm dịch chuyển mức sản lượng tiềm năng và đường tổng cung dài hạn sang phải; tác động cùng chiều đến sản lượng cân bằng và tăng trưởng của nền kinh tế.

1. Ý nghĩa của chỉ số ICOR trong quá trình tăng trưởng nền kinh tế

- Phản ánh số lượng vốn cần thiết để gia tăng được một đơn vị sản lượng.

- Phản ánh trình độ của công nghệ sản xuất: Công nghệ cần nhiều vốn hệ số ICOR cao. Công nghệ cần ít vốn, nhiều lao động thì hệ số ICOR thấp.

- Phản ánh hiệu quả sử dụng vốn:

+ Giữa các thời kỳ, Hệ số ICOR cao hơn chứng tỏ thời kỳ đó hoặc nền kinh tế đó sử dụng vốn kém hơn.

+ Giữa các nền kinh tế. Xu hướng những nền kinh tế phát triển sử dụng những công nghệ cao cần nhiều vốn thì hiệu quả sử dụng vốn thấp như hiệu quả sử dụng vốn trong công nghiệp thấp hơn trong nông nghiệp.

+ Giữa các khu vực sản xuất: Các khu vực sản xuất kinh doanh cũng có sự khác biệt như ở các nước đang phát triển, khu vực kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân nhiều.

- Khi so sánh vai trò của vốn với các nhân tố tăng trưởng khác: ICOR cho biết một đồng vốn đầu tư tạo ra bao nhiêu đồng sản lượng. Qua đó ta có thể thấy được vốn đầu tư so với các nhân tố tăng trưởng khác có ý nghĩa thế nào đối với tăng trưởng sản lượng. ICOR càng cao chứng tỏ vốn đầu tư càng quan trọng. Trong khi đó, ICOR thấp có thể hàm ý vai trò của các nhân tố tăng trưởng khác như công nghệ đang tăng vai trò của mình đối với tăng trưởng

- Sử dụng để lập kế hoạch kinh tế, cần đầu tư bao nhiêu vốn để đạt được mục tiêu đề ra. Vì vốn đầu tư có tác dụng tác động quyết định đến tăng trưởng kinh tế  và mức tiết kiệm là nguồn gốc của đầu tư. 

+ Xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho thời kỳ mới khi xác định được khả năng tiết kiệm của nền kinh tế thời kỳ gốc và dự báo hệ số ICOR thời kỳ kế hoạch là một trong những căn cứ quan trọng đối với các nhà hoạch định trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.

+ Khi đứng trước một mục tiêu tăng trưởng do yêu cầu của các cấp lãnh đạo đặt ra, mô hình cho phép chúng ta xác định được nhu cầu tích luỹ cần có để đạt được mục tiêu đó. Là căn cứ để đánh giá khả năng đạt mục tiêu đã đề ra

2. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, Chính phủ cần phải thực hiện một số nhiệm vụ như sau

-Thứ nhất, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào những công trình công cộng mà kinh tế tư nhân không hay chưa đầu tư. Thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân cùng đầu tư với nhà nước theo nguyên tắc công tư kết hợp. Cần chấm dứt hẳn đầu tư công vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp. Đầu tư vào những ngành mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển chung của cả quốc gia.

-Thứ hai, để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công phải sửa đổi từ thể chế, bộ máy, luật pháp liên quan như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, trách nhiệm của bộ máy nhà nước và người ra quyết định, trách nhiệm của cán bộ tham gia.

Xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai nguồn vốn đầu tư công giữa các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng so với hiệu quả dự kiến trong hồ sơ dự án và so sánh giữa các địa phương, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công.

-Thứ ba, phải đề cao tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm. Để cải thiện hiệu quả đầu tư, Nhà nước ta cần thực hiện phân bổ đầu tư công theo khuôn khổ đầu tư trung hạn. Đổi mới tổ chức bộ máy giám sát và thẩm định đầu tư theo hướng tổ chức các hội đồng chuyên môn tư vấn cho cơ quan giám sát và thẩm định. Mở rộng chức năng giám sát thẩm định trên các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm hơn là chỉ tập trung giám sát tuân thủ quy trình đầu tư. Hoàn thiện hệ thống thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công theo hướng hiện đại hóa và tuân theo thông lệ quốc tế.

-Thứ tư, rà soát lại toàn bộ quy hoạch tổng thể ngành, lĩnh vực và vùng từ Trung ương đến địa phương. Quyết định đầu tư phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể. Xác định tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên đầu tư công.  Hoàn thiện quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền trung ương và địa phương đối với quản lý đầu tư công, đồng thời với đổi mới quy trình xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn theo nguyên tắc cấp nào thực hiện hiệu quả hơn cho lợi ích quốc gia thì giao vốn cho cấp đó.

-Thứ năm, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công trong quá trình tái cơ cấu, khắc phục căn bản tình trạng bố trí vốn dàn trải gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả trong đầu tư; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm bố trí vốn tập trung theo đúng các nguyên tắc, tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền địa phương trong quyết định và thực hiện đầu tư.

- Thứ sáu, nâng cao vai trò của cá nhân người đứng đầu các tổ chức các cấp, ngành, địa phương về giám sát thực hiện chủ trương và tổ chức thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trong đó có đầu tư công. Có quy định cụ thể về các trường hợp vi phạm và chế tài xử lý phù hợp đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe.

 


Post a Comment

0 Comments