Phân tích mối quan hệ giữa các nguồn lực kinh tế với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua

 

Phân tích mối quan hệ giữa các nguồn lực kinh tế với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua

Nguồn lực là tổng hợp các yếu tố vật chất và phi vật chất cần thiết, cung cấp và góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của một đất nước.

Theo tính chất của nguồn lực, có thể chia nguồn lực thành hai nhóm:

Thứ nhất, nhóm nguồn lực vật chất (nguồn lực kinh tế) gồm: vốn đầu tư, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học và công nghệ;

Thứ hai, nhóm nguồn lực tinh thần (nguồn lực phỉ kinh tế) gồm: thể chế chính trị, luật pháp, chính sách, đặc điểm văn hóa, dân tộc, tôn giáo...

Ở đây ta đi sâu vào phân tích mối quan hệ giữa nguồn lực kinh tế và quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua.

+ Về nguồn lao động

Nguồn lao động là một bộ phận của dân số, những người lao động đang tham gia lao động và có khả năng lao động, nhưng chưa tham gia lao động (vì những lý do khác nhau).

Trong các nguồn lực, nguồn lao động đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định đối vói tăng trưởng và phát triển kinh tế của một quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bởi vì, người lao động luôn là người phát hiện, cải tạo và sáng tạo ra các nguồn lực khác. Chính vì thế Đảng ta đã nhận định: Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020, trong đó cực kỳ chú ý đến nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguồn lao động là yếu tố “đầu vào” không thể thiếu của quá trình sản xuất, tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nguồn lao động tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra giá trị và làm tăng giá trị, hay nói cách khác, nguồn lao động đã tác động vào tổng cung của nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển. Năng suất lao động là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia và chỉ có tăng năng suất, Việt Nam mới có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Có thể phân tích mối quan hệ này qua những dữ liệu cụ thể sau đây:

Năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 ước đạt 92,1 triệu đồng, tăng 5,9% so với năm 2016. Chỉ tính riêng các năm 2016 - 2017, năng suất yếu tố tổng hợp ước tăng 2,26%, đóng góp khoảng 35,4% vào tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, lao động ở khía cạnh là bộ phận của dân số, là người thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển. Lực lượng lao động là yếu tố tạo cầu cho nền kinh tế với vai trò tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ xã hội. Khi thu nhập của họ tăng lên, họ sẽ có điều kiện nâng cao mức sống, từ đó sẽ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, góp phần tăng nhu cầu xã hội. Điều này cũng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ và sự tác động trở lại của nguồn lao động và tăng trưởng, phát triển kinh tế.

+ Về nguồn lực khoa học và công nghệ

Khoa học là tập hợp những nhận thức, hiểu biết, tư duy và khám phá hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên và xã hội.

Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện để biến đổi các nguồn lực thành các sản phẩm và dịch vụ mong muốn.

Trong mối quan hệ với tăng trưởng, phát triển kinh tế, đầu tiên có thể thấy rằng KHCN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu.

Thứ hai, KHCN góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Tỷ trọng và vị trí GDP của công nghiệp và dịch vụ tăng dần, nông nghiệp giảm dần.

Thứ ba, KHCN góp phần tăng năng suất các nhân tổ tổng hợp từ ,đó góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu.

Thứ tư, Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc ứng dụng tiến bộ KHCN làm cho các yếu tố đầu vào nhất là TFP được nâng cao và có hiệu quả hơn, từ đó làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và khu vực.

Thứ năm, KH-CN góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người. Công nghệ điện tử, tin học, viễn thông phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho con người giao lưu, liên kết với nhau và được hưởng lợi ích văn hóa, tinh thần và văn minh nhân loại.

Thứ sáu, KHCN là yếu tố góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường sinh thái.  Khoa học công nghệ phát triển cũng góp phần tiết kiệm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, làm giảm chất thải, tìm kiếm nguồn năng lượng, vật liệu mới thay thế các nguồn lực truyền thống không gây ô nhiễm môi trường.

Sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới đất nước, khoa học và công nghệ Việt Nam bước đầu có sự chuyển biến tích cực về cả nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, KHCN trong công nghiệp chưa thực sự đóng vai trò hỗ trợ, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tạo ra nhiều ngành nghề mới. ở nước ta trình độ công nghệ thấp, tụt hậu so với các nước. Nhìn chung KHCN chưa trở thành nhân tố chủ yếu tạo nên bức phá ngoạn mục trong tăng trưởng kinh tế.

+ Về nguồn lực vốn

Dưới góc độ nguồn lực, có thể hiểu vốn là tổng giả trị của đầu tư để tạo ra tài sản nhằm mục tiêu sinh lời hay để có thu nhập trong tương lai.

Mối liên hệ mật thiết giữa vốn và tăng trưởng, phát triển kinh tế thể hiện ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, đầu tư là yếu tố quan trọng của tổng cầu có tác động đến tổng cung của nền kinh tế.Vốn không chỉ bảo đảm cung cấp các yếu tố đầu vào của sản xuất, mà còn có khả năng cân đối, khả năng lưu thông, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của quá trình sản xuất.

Thứ hai, đầu tư có vai trò quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vốn đầu tư tăng sẽ dẫn đến gia tăng mức tăng trưởng kinh tế, làm dịch chuyển mức sản lượng tiềm năng và đường tổng cung dài hạn sang phải; tác động cùng chiều đến sản lượng cân bằng và tăng trưởng của nền kinh tế cao.

Ở nước ta, trong giai đoạn đổi mới vừa qua, về cơ bản, sự đóng góp của nhân tố “vốn” luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Theo Kế hoạch, để đạt mục tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5-7%/năm và GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD; nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 9,7-10,7 triệu tỷ đồng (giá hiện hành). Trong tình hình hiện nay, để có thể huy động được một khối lượng nguồn vốn to lớn như trên, đòi hỏi phải có những quan điểm huy động vốn phù hợp, cùng với các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả.

+ Về nguồn lực tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên là nguồn của cải vật chất nguyên khai, được hình thành, tồn tại trong tự nhiên và tất cả những gì thuộc về thiên nhiên mà con người có thể khai thác, sử dụng thoả mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của mình.

Tài nguyên thiên nhiên góp phần quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, thu được vốn sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản, hình thành cơ cấu ngành, vùng, lãnh thổ.

Khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên sẽ thu hút lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên cũng là một lợi thế cạnh tranh ngành, sản phẩm và tự chủ không phụ thuộc và ít có những “cú sốc” từ bên ngoài.

Đối với Việt Nam, thời gian qua, công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đang có những chuyển biến tích cực nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc quản lý, khai thác tài nguyên tuy đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Tóm lại, giữa nguồn lực kinh tế và tăng trưởng, phát triển bền vững có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các nguồn lực kinh tế nếu được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả sẽ tạo điều kiện tăng trưởng, phát triển bền vững và ngược lại. Trong mối quan hệ đó, nguồn lực kinh tế có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, tuy nhiên, có nền tảng tăng trưởng, phát triển ổn định cũng là điều kiện thuận lợi để phát huy, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế.


Post a Comment

0 Comments