Phân tích các nhân tố nhân tố kinh tế và các nhân tố phi kinh tế tác động đến tăng trưởng và phát triển nền kinh tế quốc dân.

 

Phân tích các nhân tố nhân tố kinh tế và các nhân tố phi kinh tế tác động đến tăng trưởng và phát triển nền kinh tế quốc dân.

- Tăng trưởng kinh tế: là sự gia tăng về thu nhập của nền kinh tế. Thu nhập của nền kinh tế có thể biểu hiện dưới dạng hiện vật hoặc giá trị. Bất cứ một nền kinh tế nào, vào thời gian nào mà có sự gia tăng hay lớn lên về thu nhập thì ở đó có tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng của nền kinh tế được hạch toán trong một thời kỳ nhất định, thời kỳ đó có thể theo tháng, quý, năm hoặc nhiều năm, tính trong khoảng thời gian nhất định nhưng thường là một năm.

- Phát triển kinh tế: là quá trình tăng tiến toàn diện về mọi mặt của nền kinh tế, là quá trình biến đổi cả về lượng và chất của nền kinh tế. hay cụ thể hơn, phát triển kinh tế là tăng trưởng kinh tế gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tiến bộ, hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư.

          Dựa vào các tiêu thức khác nhau người ta có thể phân chia các nhân tố tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế khác nhau, song tựu trung có hai loại: nhân tố kinh tế và nhân tố phi kinh tế.

1.1. Nhân tố kinh tế:

Nhân tố kinh tế là những nhân tố tác động trực tiếp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế hay các biến số đầu vào, đầu ra của nền kinh tế.

* Theo quan điểm truyền thống, có nhiều nhân tố tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, thể hiện rõ trong hàm sản xuất: Y= F (K, L, R, T)

Hàm sản xuất trên đây chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế (Y) chịu tác động của bốn nhân tố đầu vào:

- Vốn (K), là nhân tố không thể thiếu trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, có tác động trực tiếp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, có hai loại là vốn hữu hình và vốn vô hình. Một nền kinh tế huy động chủ yếu vốn vô hình, đáp ứng tốt mục tiêu tăng trưởng là một nền kinh tế phát triển và ngược lại.

- Lao động (L), là nhân tố quan trọng bậc nhất, tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, xét trên hai góc độ:

+Một là, lao động là nhân tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế với tư cách là sức lao động (cơ bắp), lao động sống tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất - kinh doanh. Hạch toán khả năng đóng góp của lao động bằng số lượng lao động hay thời gian lao động để tạo ra một đơn vị sản phẩm hay tăng trưởng kinh tế.

+Hai là, lao động với tư cách là vốn con người hay vốn nhân lực, nhấn mạnh khía cạnh phi vật chất của lao động. Trong các nền kinh tế phát triển, số lượng và tỷ lệ phần trăm vốn nhân lực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng kinh tế ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, nhất là công nghiệp và dịch vụ. Trái lại, ở các nước đang phát triển ở trình độ thấp thường dựa vào quy mô lao động, với tính chất lao động giá rẻ, trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung bình hoặc thấp, sản xuất chủ yếu là gia công, lắp ráp… nên khả năng đóng góp của vốn nhân lực trong tăng trưởng và phát triển kinh tế còn nhỏ bé.

- Tài nguyên thiên nhiên (R), là nhân tố đầu vào của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tài nguyên thiên nhiên thường được xem xét trên ba góc độ: tài nguyên vô hạn và không thể thay thế; tài nguyên có thể tái tạo và tài nguyên không thể tái tạo. Tài nguyên thiên nhiên là nhân tố đầu vào của tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng nó chỉ có thể tạo ra lợi thế tĩnh cho một quốc gia phát triển. Một quốc gia khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thô đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế trước mắt, kém hoặc không hiệu quả, lợi thế tĩnh mất đi sẽ phải trả giá đắt trong phát triển cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

- Kỹ thuật - công nghệ (T), là nhân tố có tác động trực tiếp, ngày càng mạnh đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Kỹ thuật - công nghệ được xem xét trên hai góc độ: những thành tựu nghiên cứu khoa học - công nghệ do sức sáng tạo của con người tạo ra và khả năng triển khai, áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất. Một quốc gia có năng lực và phát huy tốt năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D) sẽ nhanh chóng trở thành quốc gia phát triển và ngược lại.

         * Theo quan điểm hiện đại, có hai nhân tố tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, đó là: nhân tố tác động đến tổng cung và nhân tố tác động đến tổng cầu của nền kinh tế.

- Các nhân tố tác động đến tổng cung của nền kinh tế:

Tăng trưởng kinh tế, thể hiện ở hàm sản xuất: y = f (k, l, tfp)

Vốn (K), lao động (L) và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là ba nhân tố cùng tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế (Y).

Vốn (bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên được giá trị hóa, sử dụng dưới góc độ là vốn sản xuất) và lao động là hai nhân tố đầu vào, có thể lượng hóa được mức độ tác động của chúng đến tăng trưởng kinh tế. Đây là hai nhân tố thường được phân tích và đánh giá tác động của chúng đến tăng trưởng theo chiều rộng.

Năng suất các nhân tố tổng hợp là nhân tố tác động mạnh nhất đến tăng trưởng kinh tế và là nhân tố tác động theo chiều sâu, nhưng chỉ có thể lượng hóa một cách gián tiếp. TFP phản ánh: một là, hàm lượng khoa học - công nghệ chứa trong sản phẩm; hai là, chất lượng giáo dục - đào tạo (vốn nhân lực) chứa trong sản phẩm; ba là, hiệu lực, hiệu quả tác động của thể chế, chính sách; bốn là, thành quả của tiến trình mở cửa, hội nhập trong phát triển kinh tế... Như vậy, TFP hàm chứa nhiều nội dung, đặc biệt là hàm lượng khoa học - công nghệ chứa trong sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực (thông qua giáo dục và đào tạo), mức độ hoàn thiện của thể chế chính sách. Đây là những yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu.

- Các nhân tố tác động đến tổng cầu của nền kinh tế:

Tăng trưởng kinh tế chịu tác động từ tổng cầu của nền kinh tế. Nếu tổng cầu tăng, sẽ thúc đẩy tổng cung tăng, do đó, tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Có bốn nhân tố hợp thành tổng cầu của nền kinh tế:

+Một là, chi cho tiêu dùng cá nhân (C), gồm các khoản chi cố định, thường xuyên và các khoản chi tiêu khác ngoài dự kiến phát sinh. Trong đó, chi tiêu dùng cá nhân phụ thuộc vào tổng thu nhập khả dụng (DI) và xu hướng tiêu dùng cận biên (MPC) được xác định theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

+Hai là, chi tiêu của chính phủ (G), bao gồm các khoản mục chi mua hàng hóa, dịch vụ của chính phủ. Chỉ tiêu của chính phủ phụ thuộc vào khả năng thu ngân sách, chủ yếu là từ thuế và lệ phí.

+Ba là, chi cho đầu tư (I), về bản chất, đó là các khoản chi tiêu đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế, bao gồm đầu tư vốn cố định và đầu tư vốn lưu động.

+Bốn là, sự tác động của thị trường. Các yếu tố của tổng cầu thường xuyên thay đổi. Trường hợp tổng cầu bị giảm sút sẽ gây lãng phí lớn về nguồn lực của quốc gia (đã có) nhưng không được huy động, làm hạn chế mức tăng trưởng thu nhập. Trường hợp ngược lại, nếu mức tổng cầu quá cao sẽ làm cho mức thu nhập của nền kinh tế tăng nhưng giá cả các yếu tố nguồn lực trở nên đắt đỏ sẽ làm tăng mức giá cả chung của nền kinh tế. Vì vậy, chính phủ phải căn cứ vào tính chất tác động đó để hoạch định chính sách phù hợp, điều tiết tổng cầu đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và ổn định nền kinh tế.

1.2. Nhân tố phi kinh tế:

Các nhân tố phi kinh tế là những nhân tố có ảnh hưởng sâu, rộng và nhiều chiều đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Có nhiều nhân tố phi kinh tế cùng tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là các nhân tố:

- Thể chế chỉnh trị - xã hội: Đây là nhân tố tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế xét dưới góc độ tạo lập hành lang pháp lý và môi trường xã hội cho các chủ thể tham gia vào sản xuất - kinh doanh, đáp ứng lợi ích cộng đồng. Sự tác động của thể chế được thể hiện thông qua đường lối, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy cùng với các nguyên tắc hoạt động và các công cụ vĩ mô khác.

- Đặc điểm văn hóa - xã hội: Đây là nhân tố có nội hàm rộng lớn, bao trùm mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, từ tri thức phổ thông đến những tri thức khoa học về kỹ thuật - công nghệ, văn học, nghệ thuật - những tinh hoa của văn minh nhân loại, phong tục tập quán, lối sống ... Đó là nền tảng để hình thành chất lượng lao động, trình độ phát triển khoa học - công nghệ, phương thức, trình độ quản lý xã hội và có tác động đến tăng trưởng, phát triển kinh tế.

 Đặc điểm dân tộc, tôn giáo: Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có các tộc người khác nhau, sinh sống trên địa bàn khác nhau, có tôn giáo - tín ngưỡng, quy mô dân số, trình độ phát triển, tiến bộ xã hội, ... khác nhau. Do điều kiện về lịch sử, tự nhiên, trình độ phát triển... của các dân tộc, tôn giáo trong cùng một quốc gia, vùng lãnh thổ có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả về kinh tế - xã hội là nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh những xung đột về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo.

- Sự tham gia của cộng đồng: Sự tham gia của cộng đồng dân cư là nhân tố góp phần kiểm soát, phân bổ và nâng cao chất lượng sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đó chính là nền tảng tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội ổn định, liên tục và bền vững.

Các nhân tố phi kinh tế có đặc điểm chung là: tác động gián tiếp đến tăng trưởng và phát triển KT; Rất khó hoặc không thể lượng hóa, cụ thể hóa mức độ tác động của từng nhân tố đến tăng trưởng và phát triển KT; Tác động đan xen, mang tính tổng hợp, cùng chiều hoặc ngược chiều nhau, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm tăng trưởng và phát triển kinh tế; Trong nhiều trường hợp, nhân tố phi kinh tế tác động đến tăng trưởng KT thường có độ trễ về thời gian.


Post a Comment

0 Comments