Trong suốt
quá trình đổi mới kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ quan tâm
đến thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, mà luôn quan tâm đến
nâng cao đời sống của mọi tầng lớp nhân dân và thực hiện tiến bộ,
công bằng xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII chủ
trương: “Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn: quan hệ
giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi
mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và đảm bảo
định hướng xã hội chủ nghĩa;… giữa tăng trưởng kinh tế và phát
triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Vậy tiến bộ, công bằng xã hội là gì
và nội dung như thế nào mà Đảng ta đang chủ trương thực hiện, chúng
ta cần làm rõ các nội dung sau:
*Khái niệm Tiến bộ xã hội:
Theo nghĩa
trực tiếp, tiến bộ xã hội là sự phát triển của lực lượng sản
xuất, đời sống ngày càng văn minh, dân chủ được thực hiện và các
quyền con người được đảm bảo. Như vậy, tiến bộ xã hội được xem như
nội hàm của phát triển kinh tế và công bằng xã hội.
Theo nghĩa rộng, tiến bộ xã hội chỉ sự phát
triển của xã hội từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn; từ lạc hậu
đến văn minh, hiện đại. Tiến bộ xã hội biểu hiện trong từng lĩnh
vực của đời sống xã hội, tập trung ở phương thức sản xuất mới, chế
độ xã hội mới. Như vậy, tiến bộ xã hội là quy luật tất yếu khách
quan của lịch sử xã hội, có nội hàm rộng lớn, toàn diện cả về
kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng, khoa học kỹ thuật…;
có tầm bao quát về phương diện vật chất lẫn tinh thần của xã hội
và được xem xét trên phạm vi quốc gia, dân tộc cũng như toàn thế
giới, gắn với từng giai đoạn lịch sử, cụ thể.
*Khái niệm Công bằng xã hội:
Công bằng xã
hội là phương thức đúng đắn nhất để thỏa mãn một cách hợp lý
những nhu cầu của các tầng lớp xã hội, các nhóm xã hội, các cá
nhân, xuất phát từ khả năng hiện thực của những điều kiện kinh tế –
xã hội nhất định. Về nguyên tắc, chưa thể có sự công bằng nào được
coi là tuyệt đối trong chừng mực mà mẫu thuẫn giữa nhu cầu của con
người và khả năng hiện thực của xã hội còn chưa được giải quyết.
Bởi vậy, mỗi thời đại lại có những đòi hỏi riêng về sự công bằng
xã hội.
Công bằng xã
hội là khái niệm mang tính chuẩn tắc, phụ thuộc vào quan niệm khác
nhau của mỗi giai cấp, mỗi quốc gia. Công bằng xã hội là sự bình
đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, bình đẳng trong chế độ
phân phối thu nhập, cơ hội phát triển và điều kiện thực hiện cơ hội.
Như vậy, khái niệm công bằng xã hội rất rộng, bao gồm cả yếu tố
kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội.
*Nội dung của tiến bộ và công bằng xã hội:
Mục tiêu
cuối cùng của phát triển kinh tế là vì sự tiến bộ và công bằng xã
hội cho con người mà nòng cốt là đảm bảo phát triển toàn diện con
người. Theo đó, nội dung của tiến bộ và công bằng xã hội chính là
nâng cao trình độ phát triển con người, mức sống dân cư, thực hiện
giảm nghèo và bình đẳng xã hội.., cụ thể:
-Nâng cao trình độ phát triển con người: Phát triển con người là một quá trình nhằm mở
rộng khả năng lựa chọn của dân chúng, đó là: có cuộc sống lâu dài,
mạnh khỏe; được hiểu biết và có được các nguồn lực cần thiết cho
một cuộc sống tốt. Ngoài ra, còn là sự tự do lựa chọn, thông qua sự
tự do về kinh tế, xã hội, chính trị để con người có được các cơ
hội trở thành người lao động sáng tạo, có năng suất, được tôn trọng
cá nhân và được bảo đảm quyền con người. Phát triển con người gồm
hai mặt: sự hình thành năng lực của con người và việc sử dụng các
năng lực đó cho các hoạt động kinh tế – xã hội.
Khi có tăng
trưởng kinh tế sẽ có điều kiện để phát triển con người, cụ thể:
làm gia tăng thu nhập bình quân đầu người; phát triển y tế, chăm sóc
sức khỏe, phát triển giáo dục đào tạo; khi tăng trưởng kinh tế cao,
ổn định và dài hạn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến tình trạng đi
học của phụ nữ, góp phần nâng cao chỉ số phát triển giới, chỉ số
quyền lực giới, từ đó thúc đẩy phát triển con người.
-Nâng cao mức sống dân cư: Để đời sống người dân được cải thiện ngoài tăng trưởng kinh tế
cần thiết phải có các chính sách phân phối hợp lý cần đặt ra, đó
là: chính sách đảm bảo cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng; giữa chi
tiêu dùng cá nhân, chi tiêu chính phủ và cắt giảm chi tiêu chính phủ
đối với các khoản chi không liên quan đến cải thiện điều kiện sống
cho nhân dân; các chính sách phân phối thu nhập dân cư hợp lý hơn,
thích ứng với các nguyên tắc của thị trường và đảm bảo các mục
tiêu xã hội cần quan tâm.
Một số
chính sách phân phối thu nhập nhằm nâng cao mức sống dân cư từ những
kết quả của tăng trưởng kinh tế: phân phối theo chức năng và phân phối
lại thu nhập. Có tác dụng thúc đẩy các hộ gia đình, các thành viên
trong xã hội chuyển nguồn lực sở hữu vào quá trình sản xuất và
dịch vụ, mở rộng quy mô nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn lực
cũng như sử dụng nó hiệu quả nhất để tạo ra thu nhập cho nền kinh
tế.
-Thực hiện giảm nghèo:
Giảm nghèo
là quá trình cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bộ phận
dân cư nghèo, từng bước đưa bộ phận dân cư này thoát khỏi tình trạng
nghèo đói; là cách thức làm giảm số lượng và tỷ lệ người nghèo
trong xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, địa bàn
và giữa các dân tộc, nhóm dân cư, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh
tế bền vững và công bằng xã hội.
Nghèo khổ
vật chất: là sự “thiếu hụt” so với một mức sống nhất định, được
xác định theo các chuẩn mực xã hội, trong một thời gian và không gian
nhất định. Nói đến nghèo khổ vật chất là nói đến sự thiếu thốn
về thu nhập, về cơ hội để có thu nhập, có tài sản hay không có khả
năng tài chính để thực hiện nhu cầu vật chất tối cơ bản trong cuộc
sống.
Nghèo khổ đa
chiều, đó là: sức khỏe gồm 02 thành phần là tình trạng suy dinh
dưỡng và chết yểu; giáo dục gồm tình trạng không học hết 05 năm và
trẻ em không được đến trường; và chất lượng cuộc sống gồm tình
trạng không được sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh, nhà cửa tồi tàn,
sử dụng nguyên liệu đun nấu bẩn, không có phương tiện đi lại tối
thiểu.
Giảm nghèo
bền vững, có thể hiểu là quá trình đầu tư đồng bộ các nguồn lực,
đưa ra những chính sách tác động vào mọi mặt đời sống kinh tế – xã
hội – môi trường của bộ phận dân nghèo theo nguyên tắc giảm nghèo bền
vững, tạo ra những điều kiện thuận lợi, cùng với những hỗ trợ ban
đầu, giúp người nghèo có thể tự lực nâng cao đời sống vât chất và
tinh thần của minh, vươn lên thoát nghèo, tiến lên theo kịp với mặt
bằng chung của xã hội. Từ đó, số lượng và tỷ lệ người nghèo được
giảm nhanh và bền vững.
-Thực hiện bình đẳng xã hội: bình đẳng xã hội không chỉ bó hẹp trong một lĩnh
vực xã hội mà nó là sự công bằng trong tham gia và hưởng thụ kết
quả hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giới… Với
ý nghĩa này, bình đẳng xã hội gắn với sự phát triển toàn diện con
người và là kết quả của sự phát triển đó. Thực tế hiện nay, vẫn
còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giữa các nước phát triển và
các nước đang phát triển, hay giữa nội bộ các nước đang phát triển
với nhau, do vậy cần thiết phải nghiên cứu cả tình trạng bất bình
đẳng về kinh tế, dân tộc, giới, tôn giáo, giữa các tầng lớp dân cư
khác nhau.. nhằm thu hẹp hay giảm bớt tình trạng bất bình đẳng để
hưởng tới mục tiêu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội cho mọi
người dân.
Có thể nói,
tiến bộ và công bằng xã hội được thực hiện sẽ tạo động lực và môi
trường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế, góp phần
vào quá trình CNH-HĐH đất nước.
0 Comments