Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như thế nào để phát hiện những vấn đề bất cập trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và đề xuất điều chỉnh, bổ sung?

 

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như thế nào để phát hiện những vấn đề bất cập trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và đề xuất điều chỉnh, bổ sung?

1. Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin

Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất - cảm tính, có tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.

Lý luận khoa học là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, giữa lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trong mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn thì thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của lý luận và là tiêu chuẩn đánh giá sự đúng, sai của lý luận. Chính trong hoạt động thực tiễn, hoạt động cải tạo thế giới mà nhận thức, lý luận ở con người mới được hình thành và phát triển. Thực tiễn cung cấp những cơ sở dữ liệu giúp nhận thức, lý luận hình thành và phát triển. Những tri thức mà chúng ta có được cho đến hôm nay hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đều nảy sinh từ hoạt động thực tiễn. Đồng thời, lý luận chỉ có ý nghĩa thực sự khi được vận dụng vào thực tiễn, đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận đó là chân lý hay sai lầm.

Thực tiễn có vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển lý luận của con người, nhưng lý luận cũng có vai trò tác động trở lại đối với thực tiễn: LL khoá học đóng vai trò soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn; góp phần giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào thực tiễn rộng lớn của đông đảo quần chúng; LL nếu phản ánh đúng quy luật vận động, phát triển của sự vật, của thực tiễn sẽ góp phần dự báo, định hướng đúng đắn cho thực tiễn, giúp thực tiễn chủ động, tự giác hơn.

Tóm lại, quá trình nhận thức con người phải xuất phát từ thực tiễn, đi sâu đi sát thực tiễn, coi trọng việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học đôi với hành. Còn hoạt động thực tiễn cần phải có lý luận dẫn đường, chỉ đạo thì mới có thể đi đến thành công. Vì vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được đánh giá là một trong những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin.

2. Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa LL và TT để phát hiện những vấn đề bất cập trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và đề xuất điều chỉnh, bổ sung?

a) Đặt vấn đề

Xây dựng pháp luật là lĩnh vực rộng lớn, được tiếp cận, đánh giá từ nhiều phương diện. Cùng với những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hệ thống pháp luật nước ta ngày càng được hoàn thiện cả về nội dung và quy trình, thủ tục. Đặc biệt là từ năm 2013 đến nay, nhiều bộ luật cơ bản cùng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác đã thể chế hóa các nguyên tắc pháp quyền, dân chủ cơ bản của Hiến pháp năm 2013. Hệ thống pháp luật đã từng bước được hoàn thiện ở hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ các quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước.

Tuy vậy, trong xây dựng pháp luật nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung còn nhiều hạn chế, nhược điểm, có tác động tiêu cực đến thực hiện pháp luật của các cá nhân, tổ chức và hoạt động quản lý, thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước.

b) Những vấn đề bất cập

- Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật

- Tính ổn định của pháp luật thấp, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung

Một trong những hạn chế, bất cập lớn trong hoạt động xây dựng pháp luật là tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản luật và các văn bản dưới luật. Thực trạng này dẫn đến nhiều khó khăn cho việc thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp và thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước. Trên bình diện chung, còn tồn tại sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác, dẫn đến tình trạng “làm theo luật này thì đúng, luật khác thì sai”.

Điển hình nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm,… Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật cũng tồn tại trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp nhà nước. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia. Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cũng tồn tại nhiều bất cập như hiện tượng cấp phép tràn lan, quản lý chồng chéo.

Sự cồng kềnh, bất cập và mâu thuẫn, chồng chéo làm giảm tính minh bạch của pháp luật, khiến cho pháp luật trở nên phức tạp, khó hiểu và khó áp dụng, hiệu lực và hiệu quả điều chỉnh thấp. Sự xung đột, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các đối tượng phải tuân thủ pháp luật như sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh. Đồng thời, các xung đột, chồng chéo này cũng là những cản trở đối với việc thực hiện pháp luật, làm giảm niềm tin vào pháp luật, tạo cơ hội phát sinh các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng nhất là trong thực hiện các công trình, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

c) Nguyên nhân của những bất cập

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan về thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản pháp luật. Trong đó, việc chưa tôn trọng và thực hiện nhất quán nguyên tắc thống nhất giữa LL và TT trong xây dựng các văn bản pháp luật là một trong những nguyên nhân sâu xa, nổi cộm cần khắc phục, biểu hiện cụ thể ở những khía cạnh sau:

Trên thực tiễn:

- Sự bất cập, hạn chế ngay chính trong cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật. Cho đến hiện nay, mặc dù chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng về cải cách bộ máy nhà nước, về phân công chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước song vẫn còn có sự chồng chéo, bất hợp lý về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Ví dụ: chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đầu tư và các Luật khác có liên quan, sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung quản lý, về cơ quan thẩm định, phê duyệt, xung đột giữa Luật Đầu tư và Luật dầu khí trong triển khai các dự án dầu khí

- Chưa hoàn toàn bóc tách giữa công đoạn xây dựng và phân tích chính sách với công đoạn soạn thảo văn bản pháp luật.

- Hạn chế trong việc chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng chính sách, pháp luật.

- Ở mức độ nhất định, vẫn còn biểu hiện cài cắm lợi ích nhóm vào trong xây dựng, trong nội dung các văn bản pháp luật, kể cả tư duy bao cấp, tư duy né tránh trách nhiệm,… vẫn còn ít nhiều hiện hữu.

Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng chưa thực hiện đúng các yêu cầu về xây dựng, phân tích chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật, chưa thực hiện tốt việc xây dựng, phân tích chính sách – cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng cho việc soạn thảo nội dung các văn bản pháp luật.

d) Giải pháp:

- Xác định đầy đủ, rõ ràng, hợp lý hơn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, loại bỏ sự chồng chéo, đảm bảo thực hiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng pháp luật.

- Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc lấy ý kiến góp ý, tham vấn, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật.

- Tăng cường năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng pháp luật, đảm bảo chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm đối với cá cá nhân, tổ chức trong xây dựng pháp luật.


Post a Comment

0 Comments