BÀI 8: CÔNG TÁC CỦA CẤP ỦY ĐẢNG Ở CƠ SỞ VÀ CỦA NGƯỜI BÍ THƯ

CÔNG TÁC CỦA CẤP ỦY ĐẢNG Ở CƠ SỞ VÀ CỦA NGƯỜI BÍ THƯ
1. Khái niệm:
Cấp ủy cơ sở (đảng ủy, chi ủy cơ sở): Được đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở bầu ra hoặc cấp ủy có thẩm quyền chỉ định, là cơ quan lãnh đạo của tổ chức đảng giữa hai kỳ đại hội.
2.  Chức năng:
- Cấp ủy cơ sở là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao tùy theo từng loại hình, lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
- Là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, cấp ủy cơ sở chú trọng định hướng chính quyền, đoàn thể nhân dân xây dựng phát triển kinh tế - xã hội theo đúng pháp luật để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân ở cơ sở làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.
- Cấp ủy cơ sở lãnh đạo tiến hành công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng trực thuộc và đảng viên thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Nhiệm vụ:
Tổ chức cơ sở đảng có nhiệm vụ:
- Lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng chấp hành đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.
- Lãnh đạo xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Ðảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm công tác phát triển đảng viên.
- Lãnh đạo xây dựng chính quyền, các tổ chức kinh tế, hành chính, sự nghiệp, quốc phòng, an ninh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; chấp hành đúng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
- Liên hệ mật thiết với nhân dân, lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên ở cơ sở chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.
- Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; cùng với tổ chức cơ sở đảng kiểm tra việc chấp hành Ðiều lệ Ðảng của tổ chức đảng và đảng viên. Ðảng ủy cơ sở nếu được cấp ủy cấp trên trực tiếp ủy quyền thì được quyết định kết nạp và khai trừ đảng viên.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác của cấp ủy cơ sở:
- Kiện toàn tổ chức và hoạt động của cấp ủy cơ sở
+ Bầu cấp ủy cơ sở với số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo chất lượng.
+ Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ cơ sở và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
+ Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho cấp ủy cơ sở.
+ Hoàn thiện chế độ chính sách đối với cán bộ ở cơ sở.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở
+ Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng, tiến hành đồng bộ với đổi mới các mặt của công tác xây dựng Đảng.
+ Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở phải trên cơ sở kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
 + Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở đối với hoạt động của hệ thống chính trị là công việc hệ trọng; phải chủ động, tích cực, có quyết tâm cao; cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm.
+ Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở phải quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yeu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở trước hết cần tập trung đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương trên một số mặt công tác sau :
+ Thứ nhất, đầu mỗi nhiệm kỳ, cấp ủy cơ sở cần nhanh chóng xây dựng chương trình công tác toàn khóa.
+ Thứ hai, đổi mới nội dung, cách thức sinh hoạt của tổ chức đảng ở cơ sở.
+ Thứ ba, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh quy chế làm việc của cấp ủy, thực hiện nghiêm quy chế giữa bí thư cấp ủy với thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBMTTQ và những người đứng đầu các đoàn thể nhân dân.
+ Thứ tư, nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở gắn liền với công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị.
+ Thứ năm, tăng cường gắn bó mật thiết giữa tổ chức đảng ở cơ sở với nhân dân.
+ Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghị quyết của đảng bộ, đảng ủy; kiểm tra công tác đồng thời kiểm tra tư cách đảng viên.
+ Thứ bảy, hướng dẫn và lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
5. Chức trách của người bí thư cấp ủy cơ sở:
Bí thư cấp ủy cơ sở có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ; cùng tập thể đảng ủy, chi ủy lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
6. Nhiệm vụ của người bí thư cấp ủy cơ sở:
- Nắm vững Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết và chỉ thị của cấp trên và chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cấp mình; nắm vững nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết có hiệu quả công việc đột xuất; nắm chắc và sát tình hình đảng bộ, tổ chức đảng trực thuộc và nhân dân trên địa bàn; chịu trách nhiệm chủ yếu về các mặt công tác của đảng bộ.
- Bí thư cấp ủy trực tiếp chuẩn bị và chủ trì cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, hội nghị đảng viên của chi bộ, đảng bộ cơ sở và chỉ đạo việc chuẩn bị xây dựng nghị quyết của đảng bộ, của Ban chấp hành, Ban thường vụ và tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết đó. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động và giữ vai trò trung tâm đoàn kết; giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn.
- Bí thư cấp ủy cơ sở có nhiệm vụ lãnh đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, của đảng bộ, của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ đảng ủy; cùng với tập thể cấp ủy, bí thư cấp ủy cơ sở lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của chi bộ, đảng bộ cơ sở, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân ở cơ sở; theo dõi, chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo công tác cán bộ theo thẩm quyền.
7. Các hình thức công tác chủ yếu của người bí thư cấp ủy cơ sở:
- Phương pháp lãnh đạo:
+ Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của cấp ủy trên và căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở, nguyện vọng của quần chúng nhân dân ở cơ sở, người bí thư cấp ủy cùng với tập thể cấp ủy đề ra chủ trương đúng đắn, kịp thời.
+ Trên cơ sở nghị quyết của cấp ủy cơ sở, của chi bộ, đảng bộ cơ sở, người bí thư cần xác định rõ những nội dung trọng tâm, cần thiết để hỉ đạo, lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể nhân dân tổ chức thực hiện trong thực tiễn.
+ Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy trí tuệ của cấp ủy, của tất cả cán bộ, đảng viên và sức mạnh của quần chúng nhân dân ở cơ sở trong giải quyết và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.
- Chế độ công tác của người bí thư:
+ Nắm chắc tình hình chung ở cơ sở, hiểu rõ và kịp thời những văn bản hướng dẫn tổ chức, hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền ở cơ sở - làm căn cứ thực tiễn và khoa học để định hướng công tác hoạt động của chi ủy, của tổ chức cơ sở đảng.
+ Lập chương trình công tác, lịch làm việc của cấp ủy, phân công phụ trách đối với từng cấp ủy viên; sâu sát các chi bộ, đơn vị trực thuộc, nắm bắt tình hình thực tế của đơn vị, của nhân dân trên địa bàn; có kế hoạch tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của người bí thư.
+ Lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức hội nghị, xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và nghị quyết của chi bộ, đảng bộ cơ sở; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghị quyết của cấp ủy, của chi bộ, đảng bộ cơ sở.

Post a Comment

0 Comments