Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam là vấn đề lý luận và thực tiễn rất cơ bản. Nó không chỉ liên quan đến
nhận thức, ý chí cách mạng, đến đường lối chính sách, mà còn liên quan đến lý
tưởng, mục tiêu và phương hướng đi lên của đất nước. Chúng ta đều biết, lựa
chọn mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩ xã hội không thể làm việc tùy tiện, cảm
hứng chủ quan, mà đây thực sự là vấn đề khoa học rất nghiêm túc, là trách nhiệm
thiêng liêng trước dân tộc và đất nước.
Lịch sử vận động và phát triển của
cách mạng Việt Nam, thực tiễn phát triển của thế giới suốt thế kỷ XX, cũng như
thập niên đầu thế kỷ XXI đã chứng minh rằng, nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã
hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu
thế vận động tiến bộ của thời đại và điều kiện lịch sử - cụ thể của Việt Nam.
Trong xu thế vận động chung đó của thế giới,
thì việc Việt Nam “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự
lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp
với xu thế phát triển của lịch sử… Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc,
triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về
chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một
thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh
tế, xã hội đan xen. Điều đó được lý giải bởi những lẽ sau:
Thứ nhất,
trong lịch sử xã hội loài người giữa hình thái kinh tế - xã hội (HTKTXH) cũ và
HTKTXH mới sẽ thay thế nó bao giờ cũng có một thời kỳ quá độ (TKQĐ). Lịch sử
phát triển của xã hội loài người là lịch sử phát triển và thay thế nhau của các
HTKTXH. Song, không phải HTKTXH này kết thúc hoàn toàn rồi HTKTXH tiếp sau mới
ra đời. Giữa HTKTXH cũ bị thay thế và HTKTXH mới sẽ thay thế nó bao giờ cũng có
một giai đoạn chuyển tiếp, một TKQĐ.
Thứ hai, học
thuyết Mác - Lê-nin chứng minh rằng, loài người với tính cách một chỉnh thể
nhất thiết phải trải qua 5 HTKTXH. Nhưng, do đặc điểm lịch sử - cụ thể do những
điều kiện đặc thù khách quan và chủ quan, bên ngoài và bên trong chi phối,
không phải quốc gia nào cũng tuần tự trải qua tất cả các HTKTXH từ thấp đến cao
theo một trình tự sơ đồ chung. Mà có những nước có thể bỏ qua một hoặc vài
HTKTXH nào đó trong tiến trình phát triển của mình. Sự bỏ qua này đã và đang diễn
ra trong lịch sử. ví dụ nước Mỹ từ một nước chiếm hữu nô lệ đã tiến thẳng lên
CNTB bỏ qua chế độ Phong kiến.
Thứ ba, cũng
như lịch sử xã hội loài người nói chung, trong thời đại ngày nay, việc bỏ qua
giai đoạn phát triển TBCN quá độ lên CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với
yêu cầu khách quan của nền kinh tế. Điều đó được quy định bởi:
Một là, trong
hoàn cảnh lịch sử cụ thể hiện nay nước ta có những điều kiện khách quan bên
ngoài và bên trong để quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN. Điều kiện bên ngoài là
sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ làm cho lực
lượng sản xuất thế giới phát triển đã đạt đến trình độ cao, đã mở đầu giai đoạn
mới của quá trình xã hội hóa sản xuất, tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực
kinh tế, tạo điều kiện hiện thực để nước ta có thể tranh thủ vốn, cơ sở vật
chất - kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của thế giới cho sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, nếu chúng ta thực hiện hiệu quả phương châm đa
phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế. Trong điều kiện kinh
tế thế giới có bước nhảy vọt về cơ sở vật chất - kỹ thuật, xã hội loài người
đòi hỏi phát triển lên một xã hội mới của nền văn minh cao hơn - đó là nền văn
minh của kinh tế tri thức. Do đó, quá độ lên CNXH là con đường phát triển hợp
quy luật khách quan. Sau CNTB nhất định phải là một chế độ xã hội tốt đẹp hơn -
chế độ XHCN. Bối cảnh, điều kiện quốc tế mới nêu trên đã tạo khả năng để Việt
Nam chúng ta thực hiện quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN. Điều kiện bên trong
là nước ta đã giành được độc lập dân tộc, có chính quyền của giai cấp công nhân
và nhân dân lao động, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Với những thắng lợi
đã giành được trong hơn 80 năm qua, đặc biệt là những thành tựu to lớn và có ý
nghĩa lịch sử của hơn 25 năm đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước
nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung
bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi,
có vị thế quốc tế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đây là
điều kiện tiên quyết, quyết định con đường quá độ lên CNXH ở nước ta.
Thời kỳ quá độ là thời kỳ mà trình độ
phát triển kinh tế - xã hội chưa vượt hoàn toàn khỏi tiến trình phát triển của
CNTB, tiến trình đó phải được tiếp tục đẩy mạnh dưới chính quyền của nhân dân,
mà hình thức thích hợp nhất là CNTB nhà nước và kinh tế thị trường có sự quản
lý của Nhà nước XHCN theo định hướng XHCN. Đó cũng là tư tưởng cốt lõi của
Chính sách kinh tế mới (NEP) trong TKQĐ lên CNXH do Lê-nin vạch ra.
Hai là, hai xu
hướng phát triển khách quan của nền kinh tế nước ta và sự lựa chọn một trong
hai xu hướng đó. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ nền nông
nghiệp lạc hậu, mang nặng tính chất tự cung tự cấp, nền kinh tế nước ta nảy
sinh một yêu cầu khách quan là: chuyển kinh tế tự nhiên lên kinh tế hàng hóa và
thúc đẩy sản xuất hàng hóa nhỏ phát triển lên thành sản xuất lớn dựa trên cơ sở
kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
Chúng ta không đi theo con đường TBCN
vì thời đại ngày nay không phải là thời đại của CNTB, mặc dù CNTB đang có sự
điều chỉnh để thích nghi với cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhưng CNTB
vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn, bất công xã hội thuộc về bản chất
của chế độ TBCN. Theo quy luật phát triển của lịch sử thì CNTB không thể không
bị phủ định. Đó là xu thế khách quan. CNTB là chế độ xã hội đã lỗi thời về mặt
lịch sử, sớm hay muộn cũng phải được thay thế bằng một chế độ xã hội mới, phát
triển ở trình độ cao hơn, với giai đoạn đầu là CNXH. Với sự phát triển mạnh mẽ
của toàn cầu hóa, chính CNTB cũng đã và đang tạo ra những tiền đề vật chất - kỹ
thuật để chuyển sang CNXH. Hướng thứ hai, là thực hiện quá độ lên CNXH bỏ qua
chế độ TBCN dựa trên cơ sở củng cố chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì
nhân dân; dựa vào khối liên minh công - nông - trí thức để tổ chức và huy động
mọi tiềm lực của các tầng lớp nhân dân, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo lập cơ sở vật
chất - kỹ thuật cho CNXH. Con đường này hoàn toàn mới mẻ và không ít khó khăn,
nhưng giảm bớt được đau khổ cho nhân dân lao động. "Động lực chủ yếu để
phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công
nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá
nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần
kinh tế, của toàn xã hội....
Những thành tựu đã đạt được qua hơn 25
năm đổi mới đã chứng tỏ: chọn con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN là đúng
hướng, phù hợp với lợi ích của cả dân tộc và hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của
nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Bởi lẽ, chỉ có CNXH mới
giải phóng được nhân dân lao động khỏi mọi áp bức, bất công, mới đem lại cuộc
sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam
đã chứng minh: quy luật của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với
CNXH. Chỉ có đi lên CNXH mới giữ được độc lập, tự do cho dân tộc, như Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường
nào khác con đường cách mạng vô sản. Chỉ có CNXH mới giải phóng được các dân
tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Và trong
thực tiễn, CNXH không những đã trở thành động lực tinh thần, mà còn là sức mạnh
vật chất to lớn góp phần đưa sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở
nước ta đến thắng lợi. Quá trình cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã tạo những
tiền đề cả vật chất và tinh thần để có thể "rút ngắn" tiến trình phát
triển lịch sử - tự nhiên của xã hội. Vì thế, trong sự lựa chọn con đường đi lên
cho mình, dân tộc ta đã chọn con đường quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN. Đó
là con đường phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, cả về đặc điểm lịch sử - cụ
thể trong nước và hoàn cảnh quốc tế.
Tại Đại hội VI, Đảng ta đã tự phê bình
nghiêm túc, rút ra những bài học sâu sắc, từ đó đề ra đường lối đổi mới. Đại
hội VI là mốc lịch sử rất quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển Đảng
ta và đất nước ta.
Đại hội XI của Đảng ta đánh giá. Những
thành tựu đạt được trong hơn 25 năm đổi mới là vô cùng to lớn và có ý nghĩa
lịch sử đó là nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn, được xây dựng trên cơ sở
khoa học là chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo
đúng đắn của Đảng Cộng sản, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân, “đất nước bước đầu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ra khỏi
tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có
nhiều thay đổi; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy
tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp
tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Như vậy, cả từ phương diện lý luận, cả
từ phương diện thực tiễn vận động của lịch sử nhân loại suốt thế kỷ XX, thập
niên đầu thế kỷ XXI và đặc biệt từ thực tiễn lịch sử đấu tranh giải phóng, xây
dựng đất nước ở Việt Nam, việc nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế
độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu khách quan, là hoàn toàn phù hợp với xu thế
của thời đại, với đặc điểm lịch sử - cụ thể của cách mạng Việt Nam, đáp ứng
đúng khát vọng của nhân dân ta./.
0 Comments