BÀI 1: HỌC THUYẾT MÁC - LÊ NIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN

BÀI 1: HỌC THUYẾT MÁC - LÊ NIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN

Học thuyết Mác – Lênin về Đảng cộng sản là một bộ phận cấu thành của CNXHKH. Học thuyết đó chỉ ra những quy luật về sự ra đời của Đảng, những nguyên tắc XDĐ về chính trị, tư tưởng và tổ chức và về sự lãnh đạo của Đảng nhằm cải tạo xã hội cũ, xây dựng thành công CNXH, tiến lên CNCS. Học thuyết đó gắn liền với tên tuổi của C.Mác và Phăngghen và V.I.Lênin.                                                                                              

1. CÁC ĐẢNG CỘNG SẢN TRONG THẾ KỶ XIX VÀ TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA C.MÁC VÀ PH.ĂNGGHEN VỀ CỘNG SẢN
1.1. Các Đảng chính trị của giai cấp công nhân và các Đảng Cộng sản trong thế kỷ XIX
          1.1.1. Liên đoàn những người chính nghĩa và Liên đoàn những ngừơi cộng sản - Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới
- Năm 1836, tổ chức “Liên đoàn những người chính nghĩa”, tổ chức của công nhân một số nước ở Châu Âu được thành lập ở Pari, các lãnh tụ của tổ chức này đã mời Mác tham gia tổ chức của họ, nhưng do tổ chức này còn nhiều hạn chế, lúng túng về mục đích, tổ chức, chất lượng hội viên, khẩu hiệu, phương thức hoạt động.., nên C.Mác không nhận lời.
- Năm 1847, Mác-Ăng ghen thấy lý luận của mình về CNXHKH đã chín muồi và cần được truyền bá vào phong trào công nhân nên đã nhận lời tham gia vào tổ chức, với điều kiện tổ chức này phải được cải tổ lại. Hai ông đã áp dụng những tư tưởng về Đảng cộng sản vào việc cải tổ tổ chức này thành Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới của giai cấp công nhân với tên gọi "Liên đoàn những người cộng sản" (1847-1852).
+ Liên đoàn tổ chức Đại hội I vào mùa hè 1847, Đại hội 2 vào mùa thu năm 1847.
+ Liên đoàn đã giao cho C.Mác – Ph.Ăngghen khởi thảo Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản và Tuyên ngôn cộng sản. Hai văn kiện quan trọng trên đã được công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo của C.Mác, Ph.Ăngghen, Liên đoàn đã lãnh đạo đưa phong trào công nhân đi đúng hướng theo chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác và tiến lên.
          1.1.2. Quốc tế thứ nhất (1864-1872); Quốc tế thứ hai (1889-1914)
          - C.Mác, Ph.Ăngghen còn trực tiếp áp dụng những tư tưởng về Đảng cộng sản và xây dựng Đảng vào quá trình xây dựng Hội Liên hiệp công nhân quốc tế - Quốc tế thứ nhất (1864-1872). Dưới sự lãnh đạo của Quốc tế thứ nhất, phong trào công nhân ở các nước có bước phát triển mạnh mẽ.
          - Khi C.Mác qua đời, Ph.Ăngghen tiếp tục áp dụng những tư tưởng về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng vào xây dựng Quốc tế thứ hai (thời kỳ từ năm 1893 đến khi Ph.Ăngghen qua đời). Được sự lãnh đạo, rèn luyện của Ph.Ăngghen, Quốc tế thứ hai ngày càng lớn mạnh, đưa phong trào công nhân phát triển chưa từng có. Đây là thời kỳ rực rỡ nhất của phong trào công nhân và Đảng cộng sản trong thế kỉ XIX.
          - Sau khi Ph.Ăngghen qua đời, các lãnh tụ của Quốc tế thứ hai là Bécxtanh và Cauxky đã phản bội giai cấp công nhân, theo đuôi giai cấp tư sản, biến nhiều đảng lớn ở Tây Âu thành đảng cải lương. Các đảng này không có sức mạnh, không đảm đương được nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh chống giai cấp tư sản. Phong trào công nhân từ sau khi Ph.Ăngghen qua đời tạm thời lâm vào khủng hoảng và thoái trào.
          1.2. Tư tưởng cơ bản của C.Mác và Phăngghen về Đảng Cộng sản độc lập của giai cấp công nhân
          C.Mác và Phăngghen là người đầu tiên xây dựng những tư tưởng về Đảng Cộng sản và trực tiếp áp dụng vào công tác xây dựng Đảng.
Mác-Ăngghen không chỉ là những người đầu tiên nêu ra những tư tưởng cơ bản về tính tất yếu, quy luật ra đời của Đảng Cộng sản, về tổ chức và hoạt động của Đảng, mà còn trực tiếp tham gia phong trào công nhân và từng bước tổ chức ra các tổ chức cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân. Chính vị vậy, lý luận của các Ông luôn gắn chặt với thực tiễn cách mạng và đúc kết từ thực tiễn của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế thế kỷ XIX.
          1.2.1. Đảng Cộng sản ra đời là tất yếu, quy luật ra đời, bản chất của Đảng
          * Đảng Cộng sản ra đời là một tất yếu
          - Đảng chính trị ra đời khi cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội hiện đại phát triển đến một mức độ nhất định (Từ cuối xã hội phong kiến và trong xã hội tư bản). Tức là khi GCTS ra đời, đấu tranh chống GCPK để thiết lập CNTB.
          Trên thực tế, các đảng chính trị phương Tây xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 và phát triển mạnh mẽ suốt thế kỷ 19, cùng với sự phát triển của nền dân chủ tư sản, đặc biệt là khi quyền ứng cử và bầu cử của người dân được mở rộng. Từ thế kỷ XX đến nay, các đảng chính trị xuất hiện ở hàng loạt các nước trên toàn thế giới.
          Mục tiêu của các đảng chính trị là nắm giữ quyền lực nhà nước, chi phối bộ máy nhà nước.
          - Đảng Cộng sản ra đời là một tất yếu, do yêu cầu lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản và các thế lực áp bức bóc lột. Không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một cá nhân, lực lượng nào.
          Hai ông viết: “Giai cấp vô sản muốn đủ mạnh và có thể giành được thắng lợi trong thời cơ quyết định thì nó phải thành lập một đảng đặc biệt khác với tất cả các đảng khác và tự coi mình là đảng của giai cấp”[1].
          * Quy luật ra đời của Đảng Cộng sản:
Sự ra đời của Đảng Cộng sản là kết quả của sự kết hợp giữa CNXHKH với phong trào công nhân.
- CNXHKH là hệ thống lý luận cách mạng, khoa học do C.Mác và Phăngghen xây dựng và được tổng kết khái quát từ thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước chống lại giai cấp tư sản. Lý luận ấy đã chỉ rõ cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động mục tiêu, con đường và biện pháp đấu tranh giành chính quyền và xây dựng CNXH, CNCS.
CNXHKH luôn hướng tới phong trào công nhân, phục vụ phong trào công nhân. Phong trào công nhân muốn phát triển đạt kết quả cũng cần có CNXHKH soi đường.
Sự kết hợp giữa CNXHKH với phong trào công nhân là tất yếu, kết quả của sự kết hợp ấy là sự ra đời của Đảng Cộng sản.
Liên đoàn những người cộng sản ra đời vào năm 1847 - Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới, đảng độc lập của giai cấp công nhân - là kết quả của sự kết hợp đó.
          * Bản chất của Đảng Cộng sản
Đảng là một tổ chức chính trị, là sản phẩm lịch sử tự nhiên của cuộc đấu tranh chính trị của một giai cấp, và chủ yếu, trước hết nó đại biểu cho quyền lợi của giai cấp đó. Do đó, Đảng bao giờ cũng mang bản chất của một giai cấp, không có đảng phi giai cấp
          - ĐCS là chính đảng của GCCN. Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân. Trong lãnh đạo cách mạng và xây dựng Đảng, Đảng luôn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân.
- Đảng đại biểu trung thành lợi ích của GCCN, NDLĐ và dân tộc.
1.2.2. Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân; nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi sứ mệnh đó và chức năng, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản.
*  Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân
 Trong quá trình hoạt động cách mạng, tổng kết thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nghiên cứu lý luận  C.Mác và Ăngghen đã phát hiện và chứng minh một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân: Giai cấp có sứ mệnh lật đổ xã hội tư bản và xây dựng XHCSCN, một xã hội không có người bóc lột người, giai đoạn đầu là CNXH.
* Nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi sứ mệnh toàn thế giới của giai cấp công nhân
  - Hai ông cũng khẳng định và chứng minh, GCCN muốn thực hiện SMLS toàn thế giới của mình thì phải tổ chức được một đảng độc lập-  ĐCS. Đảng độc lập hoàn toàn với giai cấp tư sản, song đảng phải liên hệ chặt chẽ với các đảng, các tổ chức chính trị khác của giai cấp công nhân.
- ĐCS là người lãnh đạo, dẫn đường giai cấp công nhân, nhân dân lao động lật đổ chế độ tư bản, bọn áp bức bóc lột, xây dựng xã hội mới - XHCN. Ở hai ông đã hình thành và ngày càng hoàn chỉnh những tư tưởng về ĐCS.
* Chức năng của Đảng Cộng sản
Chức năng của Đảng là lãnh đạo. Lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cũng là thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đó là lật đổ xã hội tư bản, bọn áp bức bóc lột, xây dựng CNXH và CNCS.
* Nhiệm vụ:
Được xác định trong hai giai đoạn của CMVS:
- Khi chưa giành được chính quyền: Đảng vận động, tập hợp giáo dục nhân dân đưa họ vào các phong trào cách mạng, đấu tranh giành chính quyền.
- Khi đã giành được chính quyền, trở thành đảng cầm quyền: lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc tổ quốc, mà trọng tâm là lãnh đạo phát triển kinh tế, từng bước tiến lên CNCS. Đảng phải chịu trách nhiệm về vận mệnh và sự phát triển của đất nước, nhân dân, dân tộc.
1.2.3. Những nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng
* Xây dựng Đảng về chính trị
- Xây dựng Cương lĩnh và đường lối chính trị đúng đắn của đảng và lãnh đạo tổ chức thực hiện Cương lĩnh và đường lối chính trị
- Nâng cao phẩm chất chính trị của đội ngũ đảng viên.
- Củng cố, nâng cao uy tín chính trị của đảng trong nhân dân, trên trường quốc tế, nâng cao vai trò lãnh đạo chính trị của đảng.
Trong đó, xây dựng cương lĩnh chính trị là vấn đề quan trọng hàng đầu
* Xây dựng Đảng về tư tưởng:
- Tức là củng cố vững chắc, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho chiếm ưu thế trong xã hội.
- Xây dựng và tăng cường sự thống nhất tư tưởng chỉnh trị trong Đảng.
- Tăng cường đấu tranh tư tưởng lý luận, chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại đảng và cách mạng của các thế lực thù địch.
- Đấu tranh ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị trong các tổ chức đảng và đảng viên
          * Xây dựng Đảng về tổ chức và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng Cộng sản.
          - Đảng xây dựng tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Hệ thống tổ chức của Đảng: gồm chi bộ và các tổ chức cấp trên của chi bộ đến BCHTW , đại hội đảng; nguyên tắc xây dựng hệ thống tổ chức đảng
- Xây dựng đội ngũ đảng viên: Xác định những đặc trưng của đảng viên, tiêu chuẩn đảng viên và điều kiện kết nạp đảng viên; Tăng cường kết nạp đảng viên và đưa những người không xứng đáng ra khỏi Đảng, bảo đảm sự phát triển liên lục của Đảng.
“Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên. Về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”[2]
       - Đảng phải là một khối đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
- Liên hệ mật thiết với quần chúng là sức mạnh vô địch và sự sống còn của đảng
- Vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ của Đảng
- Đấu tranh kiên quyết không khoan ngượng với chủ nghĩa cơ hội, bè phái là quy luật phát triển của Đảng.
- Đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình.
- Tăng cường công tác bảo vệ đảng
1.2.4. Một số vấn đề về Đảng cộng sản cầm quyền
Trong điều kiện lịch sử đương thời chưa cho phép hai ông bàn nhiều về Đảng Cộng sản cầm quyền, nhưng qua 72 ngày Công xã Pa ri hai ông đã đưa ra một số tư tưởng chủ yếu về Đảng Cộng sản cầm quyền: hình thức, bản chất của Nhà nước XHCN; vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo cải tạo xã hội cũ và quản lý xã hội mới; tiêu chuẩn, lựa chọn, quản lý, bãi miễn cán bộ, chế độ đãi ngộ của Đảng Cộng sản cầm quyền, cán bộ là công bộc của dân…
Trên đây là những luận điểm chủ yếu của C.Mác và Ph.ăngghen về vấn đề xây dựng Đảng. Dẫu chưa thể coi là thật sự hoàn chỉnh, nhưng về cơ bản nó đã có ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ sự phát triển sau này của phong trào công nhân quốc tế và chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập hàng loạt Đảng Cộng sản ở nhiều nước trên thế giới.
2. NHỮNG NGUYÊN LÝ VỀ ĐẢNG KIỂU MỚI CỦA V.I.LÊNIN
2.1. Hoàn cảnh lịch sử cuối thế kỷ XIX đầu TKXX
2.1.1. Cuối TK XIX đầu TKXX, CNTB chuyển sang giai đoạn CNĐQ. Thời cơ nổ ra và giành thắng lợi của CMVS đã đến gần, nhiệm vụ giành chính quyền của GCVS trở nên cấp bách.
2.1.2. Trong điều kiện lịch sử mới đòi hỏi giai cấp công nhân phải có đường lối, chiến lược, sách lược, đòi hỏi Đảng phải là đội tiên phong chính trị có khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh mới. Tuy nhiên, các Đảng của Quốc tế hai không đủ uy tín và năng lực lãnh đạo CMVS giành thắng lợi. Cần phải có Đảng kiểu mới lãnh đạo.
2.1.3. Phong trào công nhân Nga phát triển mạnh mẽ, Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga ra đời cuối thế kỷ XIX, nhưng không đủ năng lực lãnh đạo cách mạng vô sản ở Nga giành thắng lợi.
2.1.4. V.I.Lênin đã kế thừa, phát triển những tư tưởng của C.Mác và Ăngghen về ĐCS, đưa ra những nguyên lý về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và trực tiếp áp dụng vào xây dựng thành công Đảng kiểu mới ở Nga.
2.2. Những nguyên lý về Đảng kiểu mới của V.I.Lênin
2.2.1. Chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng Cộng sản
          - Chủ nghĩa Mác là hệ thống lý luận khoa học về cách mạng của giai cấp công nhân nhằm tự giải phóng mình, là kết quả của sự phát triển một cách khoa học những tư tưởng tiên tiến của xã hội loài người, thể hiện đúng đắn căn bản lợi ích của giai cấp công nhân, chỉ ra phương hướng chính trị của tất cả các mặt  hoạt động cần thiết trong cuộc đấu tranh để thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của mình.
Lênin viết: "Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, Nó là người thứ kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người tạo ra từ thế kỷ 19, đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp". Học thuyết đó là lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phong trào công nhân và hoạt động của Đảng. Đối với ĐCS, Lênin khẳng định: “Trước hết và trên hết phải xem xét lý luận là kim chỉ nam cho hành động”.
 - Theo V.I.Lênin, chỉ có dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác, Đảng vô sản cách mạng mới lãnh đạo thực hiện thành công cách mạng giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
          + Dựa vào CN Mác để tổ chức, xây dựng chính đảng.
          + Dựa vào CN Mác, Đảng Cộng sản tổ chức lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền.
          + Dựa vào CN Mác, Đảng Cộng sản tổ chức xây dựng xã hội XHCN.
          -  Phải phát triển lý luận của C. Mác và vận dụng lý luận phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước.
          V. I. Lê-nin viết: "Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga, đặc biệt phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của C. Mác vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung còn việc áp dụng những nguyên lý đó thì, xét riêng từng nơi: ở Anh không giống ở Nga, ở Pháp không giống ở Đức và ở Đức không giống ở Nga"3
2.2.2. Đảng Cộng sản là đội tiên phong chính trị có tổ chức và là đội ngũ có tổ chức chặt chẽ nhất, cách mạng nhất và giác ngộ nhất của giai cấp công nhân
-  Đảng là tập hợp những người tiên tiến, ưu tú nhất của giai cấp công nhân, thể hiện ở sự tiên phong về lý luận và tiên phong về hành động.
Đảng là bộ phận của giai cấp, là của giai cấp nhưng không phải toàn bộ giai cấp. Đảng khác với toàn bộ giai cấp, thể hiện ở sự tiên phong về lý luận, về tổ chức và hành động:
 Tiên phong về lý luận: Đảng được vũ trang bằng lý luận cách mạng. Lênin:  “Chỉ có Đảng nào có một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò người chiến sỹ tiên phong”. Đảng là tổ chức của những người giác ngộ cao về mục tiêu, lý tưởng của GCCN và kiên quyết đấu tranh cho lý tưởng đó.
 Do đó đòi hỏi Đảng viên phải giác ngộ lý tưởng CSCN, có trình độ lý luận về chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng phải trung thành, phải vận dụng sáng tạo CN Mác- Lênin.
 Tiên phong về tổ chức, hành động:
ĐCS còn là đội tiên phong về tổ chức: đây là đội ngũ có tổ chức chặt chẽ nhất, tính tổ chức của đảng thể hiện ngay trong điều kiện gia nhập đảng và đòi hỏi sự giác ngộ về tổ chức. Cán bộ, đảng viên phải sinh hoạt trong một tổ chức của đảng, phải bằng hành động có tổ chức để chiến đấu cho nhiệm vụ của đảng, phải chấp hành mọi nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của đảng. Bên cạnh đó, đảng tập họp những người có tính giác ngộ cao vì vậy đảng cũng mang tính tiên phong về hành động, “tính đảng không chỉ thể hiện ở lời nói mà còn ở việc làm”.
          Tiên phong về hành động tức là Đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào và phải biết tổ chức lôi kéo quần chúng theo mình...
- Đảng là đội ngũ có tổ chức chặt chẽ nhất, có kỷ luật sắt, tự giác, nghiêm minh thống nhất ý chí và hành động.
2.2.3. Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng.
          - Đảng là tổ chức tự nguyện của những người cùng chung lý tưởng cộng sản, quyết tâm thực hiện lý tưởng đó, đồng thời là tổ chức chiến đấu, vì thế Đảng phải xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
          - Xa rời nguyên tắc này Đảng sẽ giảm sức mạnh và không tránh khỏi tan rã.
            2.2.4. Đoàn kết thống nhất là sức mạnh vô địch của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng.
          - Đoàn kết thống nhất:
       + Đoàn kết trong Đảng là để tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động.
          + Là sức mạnh to lớn của Đảng. Đó là sự đoàn kết của những người cùng chung lý tưởng cộng sản, chung mục đích và có lợi ích chung.
           + Là cơ sở và điều kiện để đoàn kết giai cấp công nhân.
          - Dựa trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng.
          - Tự phê bình và phê bình là biện pháp căn bản để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng, là quy luật phát triển của Đảng.
2.2.5. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, đấu tranh kiên quyết ngăn chặn và loại trừ bệnh quan liêu.
- Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân do Đảng lãnh đạo. Song để lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi Đảng phải gắn bó với nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Một Đảng nếu không có sự đồng tình ủng hộ của quần chúng thì chủ trương, đường lối, chính sách sẽ không thành hiện thực, phong trào cách mạng sẽ đi đến thất bại.
- Trong mối liên hệ với quần chúng, Đảng phải khắc phục khuynh hướng xa rời quần chúng, đồng thời cần đề phòng khuynh hướng theo đuôi quần chúng, hạ thấp trình độ của Đảng xuống ngang trình độ quần chúng.
- Gắn bó mật thiết với nhân dân thuộc về bản chất của Đảng. Quan liêu xa dân Đảng không tránh khỏi tan rã, thậm chí mất chính quyền. Quan liêu xa dân là một  nguy cơ lớn của Đảng Cộng sản cầm quyền.
            2.2.6. Đảng kết nạp những người ưu tú của giai cấp công nhân, nhân dân lao động vào Đảng và kịp thời đưa những người không đủ tiêu chuẩn đảng viên ra khỏi Đảng.
          - Đảng là đội tiên phong của giai cấp Đảng chỉ có thể làm tròn vai trò nếu trong Đảng trước hết chỉ bao gồm những chiến sỹ tiên phong, cùng chí hướng... Do đó Đảng tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng là biện pháp quan trọng để tăng cường sinh lực, thành phần, chất lượng của Đảng. Đây là điều kiện trọng yếu để nâng cao uy tín và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng..
          - Để đội ngũ của đảng luôn trong sạch, được nhân dân tin yêu, thì Đảng phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn, những phần tử cơ hội, thoái hoá, biến chất ra khỏi Đảng, đó là biện pháp đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng...
            2.2.7. Khi có chính quyền, Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chuyên chính vô sản và là một bộ phận của hệ thống đó.
- Trở thành đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng CNXH, Đảng lập nên hệ thống chuyên chính vô sản khác về chất với hệ thống chính trị TBCN. Đảng lãnh đạo hệ thống ấy để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
- Hệ thống chuyên chính vô sản bao gồm: Đảng Cộng sản - Nhà nước - các đoàn thể nhân dân.
Đảng là một bộ phận của hệ thống chuyên chính vô sản, song là hạt nhân lãnh đạo hệ thống đó.
 - Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho công cuộc xây dựng CNXH thành công. Buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng là sai lầm về nguyên tắc, là thủ tiêu sức mạnh của Nhà nước và hệ thống chính trị trong XHCN, mở đường cho các phần tử phản động cướp chính quyền...
2.2.8. Tính chất quốc tế của Đảng Cộng sản
       - Tính quốc tế của Đảng cộng sản được quy định bởi tính chất quốc tế của GCCN. Nó bắt nguồn từ sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN. Đó là lãnh đạo và tổ chức nhân dân lao động các nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chế độ XHCN, CSCN. Sứ mệnh lịch sử của GCCN là một phạm trù trung tâm của CNXHKH.
- Tính quốc tế của Đảng cộng sản thể hiện: Đảng được tổ chức và hoạt động theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác; đường lối, chiến lược, sách lược đối nội, đối ngoại phải thể hiện chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đảng luôn quan tâm giáo dục đảng viên và nhân dân tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện tinh thần quốc tế vô sản.
          - Đảng phải tích cực chống những biểu hiện nước lớn hoặc chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
          3. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN
Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, xây dựng thành công một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản bao gồm những nội dung sau:
3.1. Đảng Cộng sản là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam
- Cách mạng Việt Nam cần phải có Đảng lãnh đạo. Đảng là người giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo quần chúng theo một đường lối đúng đắn để đưa cách mạng đến thắng lợi. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Năm 1927, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết: “cách mệnh trước hết phải có cái gì?”, “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì con thuyền mới chạy.[3]
- Đảng là nhân tố quyết định hàng đầu để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Bởi vì:
+ Đảng được trang bị học thuyết Mác – Lênin, Đây là học thuyết cách mạng và khoa học nhất.
+ Đảng viên của Đảng là những người ưu tú nhất của giai cấp, của dân tộc.
+ Đảng trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp, của nhân dân và dân tộc.
-  Từ nhận thức đúng đắn đó, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã chuẩn bị tích cực cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn giữ vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 
- Gần 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác có ý nghĩa dân tộc và quốc tế sâu sắc.
3.2. Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước
- Đây chính là quy luật hình thành và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là sự bổ sung sáng tạo vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.
 - Theo Nguyễn Ái Quốc: Để thành lập Đảng ở Việt Nam phải làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước chuyển biến về chất và phải được chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, các yếu tố đó phải được kết hợp chặt chẽ với nhau.
Xuất phát từ tình hình Việt Nam đang là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé (Năm 1929, giai cấp công nhân có khoảng 22 vạn người, chiếm 1,2% dân số), phong trào yêu nước phát triển rất mạnh mẽ. Nguyễn Ái Quốc nhận thấy ngoài việc phải truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân còn phải truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước. Vì:
Phong trào yêu nước có vị trí, vai trò cực kỳ to lớn trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đã có từ lâu đời. Mỗi khi đất nước bị xâm lược, phong trào yêu nước lại dâng cao, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, toàn thể dân tộc đứng lên chống kẻ thù chung để giành lại và bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Phong trào yêu nước Việt Nam là phong trào rộng lớn nhất, có trước phong trào công nhân từ nghìn năm lịch sử. Nó cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân, toàn dân tộc đứng lên chống kẻ thù. Đây là điểm khác biệt, không giống với các nước phương Tây. Ở đây, phong trào công nhân dù có tiên tiến nhất, nhưng nếu không gắn bó với phong trào yêu nước, trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước, thì cũng không mở rộng được cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi.
- Trong suốt quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, Người đã thực hiện thành công việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào 3/2/1930.
Khái quát về quy luật ra đời của Đảng, Hồ Chí Minh đã viết: “Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”[4]
3.3. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam
- Từ luận điểm phải kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để hình thành Đảng Cộng sản. Hồ Chí Minh còn đi đến kết luận: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam.
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong các văn kiện do Người soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, đã khẳng định: “Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp”[5],Đảng của giai cấp vô sản”[6]. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2/1951), khi đất nước tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Người đã khẳng định:“Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”[7]. 
Năm 1961, luận điểm đó vẫn được Người nhắc lại:“Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị.”[8]. 
+ Bản chất giai cấp công nhân của Đảng:
Khi nói Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời là Đảng của dân tộc, Người vẫn luôn khẳng định bản chất giai cấp của Đảng -  Đó là bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng được quyết định chủ yếu bởi các yếu tố cơ bản: nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác Lênin; mục tiêu, đường lối của Đảng thực sự vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã giai cấp và giải phóng con người; Đảng nghiêm túc tuân thủ những nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.
+ Tính dân tộc của Đảng:
Với Hồ Chí Minh, vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, không tách rời trong qúa trình tiến hành cách mạng. Đảng vừa mang bản chất giai cấp công nhân, vừa mang tính dân tộc. Vì:
Một là, trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới – xã hội chủ nghĩa, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc. Đảng không chỉ là người đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân mà còn đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, ngoài ra Đảng Cộng sản Việt Nam không có một lợi ích nào khác. Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[9].
Hai là, cơ sở xã hội của Đảng không chỉ là giai cấp công nhân mà còn là nhân dân lao động, toàn thể dân tộc Việt Nam.
- Quan điểm trên của Hồ Chí Minh đã định hướng cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng có sự gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ phát triển của cách mạng Việt Nam.
3.4. Đảng Cộng sản Việt Nam phải được xây dựng theo những nguyên lý Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
3.4.1. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cốt
- Theo Hồ Chí Minh: Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[10] 
 - “Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê nin"[11].  Bởi vì:
+ Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết cách mạng và khoa học nhất
+ Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Lấy  chủ nghĩa Mác - Lênin làm cốt cũng là sự khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta.
+ Quy luật ra đời của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Sự sống còn của Đảng cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
- Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định chân lý đó. Chỉ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta với tư tưởng chỉ đạo "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản", cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng về tư tưởng và có được tôn chỉ hành động đúng đắn.
- Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin là chiếc “cẩm nang thần kỳ”, là "mặt trời soi sáng" cho chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng. Nhưng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là “chìa khóa vạn năng”, càng "không phải là kinh thánh". Do đó,“… chúng ta phải học chủ nghĩa Mác - Lê-nin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta. Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta[12]
Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực tuyệt vời trong việc bảo vệ, vận dụng đúng đắn, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh, để chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Đảng ta cần phải::
- Nghiên cứu nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta.
- Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với từng đối tượng.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề bức xúc do thực tiễn đổi mới đặt ra.
- Đẩy mạnh đấu tranh chống các quan điểm sai trái phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng.
3.4.2. Nguyên tắc tập trung dân chủ
-  Là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng.
- Tập trung và dân chủ là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một nguyên tắc. Tập trung trên nền tảng dân chủ. Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung.
3.4.3. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
- Hồ Chí Minh gọi đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.     
- Về tập thể lãnh đạo: tập thể lãnh đạo mới phát huy được dân chủ, tập trung được trí tuệ của mọi đảng viên nhằm xem xét, quyết định các vấn đề một cách đúng đắn, tránh được những sai sót, tránh được tình trạng độc đoán, bao biện, chủ quan.
- Về cá nhân phụ trách: Khi đã có quyết định của tập thể thì căn cứ vào khả năng, nhiệm vụ và chức trách của từng người mà phân công cụ thể để tổ chức thực hiện. Như thế vừa phát huy được tính năng động, sáng tạo của từng người, vừa tránh được hiện tượng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể
- Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau.
- "Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”[13]
3.4.4. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình
Là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật phát triển của Đảng.
3.4.5. Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác
- Sức mạnh vô địch của Đảng bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác của cán bộ, đảng viên.
- Kỷ luật Đảng phải nghiêm minh: nghĩa là mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên đều phải bình đẳng trước kỷ luật Đảng. Tất cả đều phải chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, quyết định của Đảng.
- Kỷ luật Đảng phải tự giác: cán bộ, đảng viên tự giác chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Nghị quyết, quyết định của Đảng.
3.4.6. Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng
- Đoàn kết trong Đảng là truyền thống cực kỳ quý báu và là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng.
         - Thực hiện đoàn kết là trách nhiệm của toàn Đảng.
3.4.7. Xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài
( bài: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, Phần I.1.)
3.5. Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. 
- Đây là hai vấn đề nhưng thống nhất trong một nguyên tắc xây dựng quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Trong quan điểm này, hai mặt "lãnh đạo" và "đầy tớ" không tách rời nhau, đối lập nhau, mà như Người đã nhấn mạnh: "Lãnh đạo có nghĩa là làm đầy tớ". Đây là một quan điểm nhất quán khi Người xác định vai trò của Đảng và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
- Trong mối quan hệ giữa Đảng với dân, Đảng là người giữ vai trò lãnh đạo.
Để  thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, Hồ Chí Minh yêu cầu:         
+ Đảng phải đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực sự dẫn đường chỉ lối cho nhân dân hành động.
+  Cán bộ, đảng viên của Đảng phải có: năng lực tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phải có phong cách làm việc dân chủ, tập thể, khoa học, phải “mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; liên hệ mật thiết với dân, học dân, hỏi dân, nghe dân góp ý phê bình, chứ không phải dán lên trán hai chữ "cộng sản" để loè dân; phải thực sự tiên phong, gương mẫu trước nhân dân, nói đi đôi với làm.“Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước"[14]
- Quá trình thực hiện vai trò là người lãnh đạo, Đảng phải làm tròn bổn phận của người đầy tớ nhân dân. Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt” 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong xã hội ta, Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền phải ý thức thật sâu sắc mình là đầy tớ nhân dân, chứ không phải là ông chủ của nhân dân, tự cho phép mình đứng trên dân, trên pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước là nhằm xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân để nhân dân làm chủ Nhà nước, điều mà trước khi cách mạng thành công không thể có được.
Đảng không phải là một tổ chức thăng quan phát tài. Đảng sinh ra là để đấu tranh cho ĐLDT và CNXH, vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Ngoài lợi ích đó ra Đảng không có lợi ích nào khác. Vì vậy, vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp.
Để làm tròn bổn phận người đầy tớ trung thành của nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải:
+ Tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng.
+ Từ suy nghĩ đến hành động đều phải tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
+ Phải học hỏi, lắng nghe ý kiến của dân, tin dân.
+ Phải có đức và tài, trong đó đức là gốc.
- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với  nhân dân. Đồng thời phải chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Trong Di chúc, Người viết: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân[15]
3.6. Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng
-  Thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu tự thân của một Đảng cách mạng chân chính.
+ Để xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo sự nghiệp cách mạng to lớn của giai cấp và dân tộc, một Đảng “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại, Đảng phải thường xuyên chăm lo đến việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
+ Trong quá trình tồn tại, phát triển và lãnh đạo cách mạng của Đảng, bên cạnh số đông đảng viên xứng đáng với danh hiệu của mình thì vẫn có một số “thấp kém về tinh thần đạo đức cách mạng...thậm chí sa vào tội lỗi[16]. Do đó, phải chỉnh đốn để tẩy rửa tất cả những lỗi lầm, sai trái ấy.
- Theo Hồ Chí Minh "xây dựng" và "chỉnh đốn" là hai vấn đề có quan hệ biện chứng với nhau. Phải trên cơ sở xây dựng mà chỉnh đốn Đảng; đồng thời chỉnh đốn Đảng đều nhằm làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ từng giai đoạn cách mạng, đưa cách mạng nước ta đên thắng lợi.
-  Trong điều kiện cách mạng chuyển sang giai đoạn mới càng cần quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Vì đây là thời điểm thường có những cái bất cập, bên cạnh đó là những chao đảo, suy thoái có thể xảy ra. Trước lúc đi xa, Người còn để lại những lời tâm huyết căn dặn toàn Đảng: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng...”[17]. 
- Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng.
Vì theo Hồ Chí Minh, quyền lực có tính hai mặt: Một mặt, quyền lực có sức mạnh rất to lớn để cải tạo cái cũ và xây dựng cái mới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nếu biết sử dụng đúng quyền lực. Mặt khác, nó cũng có sức phá hoại rất ghê gớm, vì con người nắm quyền lực có thể thoái hoá, biến chất rất nhanh chóng, nếu đi vào con đường tham muốn quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực; và khi đã có quyền lực thì lợi dụng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền đặc lợi...
Vì vậy, Đảng phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi và tẩy trừ mọi tệ nạn do thoái hoá biến chất gây ra trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền.
– Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên những nội dung sau đây:
+ Tăng cường công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức,
+ Luôn luôn chú ý đề phòng và khắc phục những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất; giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh.
+ Giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
4. Ý NGHĨA CỦA HỌC THUYẾT MÁC- LÊNIN VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN   4.1. Học thuyết Mác – Lênin về Đảng Cộng sản là cơ sở lý luận cho sự ra đời, phát triển của các Đảng Cộng sản trên thế giới
- Học thuyết Mác – Lênin về Đảng Cộng sản là cơ sở lý luận cho sự ra đời, phát triển của các Đảng Cộng sản trên thế giới trong gần 170 năm qua. Được học thuyết này soi sáng, các Đảng Cộng sản đã xây dựng ngày càng lớn mạnh, đưa chủ nghĩa xã hội từ lý thuyết trở thành hiện thực và đã từng bước trở thành hệ thống hùng mạnh, đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, khoa học – kỹ thuật, quân sự,…nhiều mặt đứng đầu thế giới trong một thời gian dài.
Mặc dù gần đây, một số Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu tan rã, mất chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Song các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước XHCN còn lại như Trung Quốc, Việt Nam đã tiến hành cải cách, đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa đất nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, mở ra thời kỳ phát triển mới của CNXH và Đảng Cộng sản.
- Trong thời đại ngày nay, học thuyết Mác – Lênin về Đảng cộng sản vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn, tiếp tục là cơ sở lý luận cho sự phát triển của các Đảng Cộng sản trên thế giới. Các Đảng Cộng sản sẽ vượt qua khủng hoảng tạm thời, ngày càng vững mạnh, chủ nghĩa xã hội hiện thực sẽ tiếp tục phát triển.
- Trách nhiệm của các Đảng cộng sản ngày nay là: một mặt vận dụng sáng tạo những nguyên lý ấy, mặt khác không ngừng bổ sung, hoàn thiện và phát triển học thuyết Mác- Lênin về chính Đảng của giai cấp công nhân cũng như toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin với bản chất cách mạng và khoa học.
4.2. Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin về Đảng Cộng sản, xây dựng thành công một đảng kiểu mới ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin vào xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện:
- Trong thành lập Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
- Trong xây dựng Đảng:
+ Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh về chính trị, thể hiện ở việc xác định Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng.
+ Xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng: Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, luôn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác – Lênin; dựa trên nền tảng lý luận Mác – Lênin để lãnh đạo cách mạng và xây dựng Đảng.
+ Xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, thể hiện ở việc xây dựng được hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng; nội bộ luôn đoàn kết thống nhất; duy trì và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
+ Luôn chú trọng giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đồng thời xây dựng Đảng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
+ Thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.
4.3. Ý nghĩa của học thuyết Mác – Lênin về Đảng Cộng sản đối với xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta hiện nay.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định đến thành công của công cuộc đổi mới. Học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản vẫn là cẩm nang có giá trị nhất, là ngọn đuốc soi đường để Đảng và nhân dân ta tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng có đủ năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước Việt Nam vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.



[1]  Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác- Lê nin về Đảng cộng sản.  Nxb CTQG, Hà Nội 2007
[2] Tuyên ngôn Đảng Cộng sản
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.2, tr.352.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.10, tr.8.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1998, t.2, tr.4.
[6] Sđd,  tr.14.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.6, tr.175.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.10, tr.467.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.10, tr.4.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.2, tr.352.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.7, tr.229.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.8, tr.128.
[13] Sđd, tr.974.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.5, tr.552.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.12, tr.516.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.11, tr.375-376.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, t.12, tr.509.


Post a Comment

0 Comments