COVID-19: NHỮNG TÁC ĐỘNG, HỆ LỤY VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ



COVID-19: NHỮNG TÁC ĐỘNG, HỆ LỤY VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Dịch Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Cô-rô-na (Covid-19) gây ra đã và đang trở thành mối nguy hiểm hàng đầu của toàn nhân loại. Kể từ khi được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay Covid-19 đã nhanh chóng lây lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với tốc độ nhanh chóng, nhiều nơi không thể kiểm soát. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Những con số được cập nhật liên tục, hàng ngày về số người bị nhiễm, bị chết vì dịch bệnh đã dấy lên sự lo lắng, tâm trạng bất an không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn là đối với toàn nhân loại. Covid-19 không chỉ còn là mối quan tâm của mỗi một cá nhân, tổ chức, hay một cộng đồng, quốc gia mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới.
          Ở Việt Nam, ngay từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, với sự chỉ đạo tích cực của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc triển khai phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với những diễn biến nhanh chóng và phức tạp gần đây của dịch Covid-19, cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, đồng thời phải có sự đồng thuận của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, biện pháp chống dịch của Chính phủ. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dịch bệnh Covid-19 là công việc cấp bách để thiết thực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
          Với mục đích, yêu cầu đó, Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) biên soạn và phát hành Tài liệu tuyên truyền:“Covid-19: Những tác động, hệ lụy và giải pháp ứng phó”. Đây là những nội dung cơ bản được biên tập từ nguồn thông tin của các cơ quan báo chí, các bộ, ban, ngành Trung ương để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên triển khai thông tin kịp thời những vấn đề về dịch bệnh Covid-19 đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
                                           Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo





I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI-RÚT CÔ-RÔ-NA (COVID-19) GÂY RA VÀ CÔNG TÁC ỨNG PHÓ, CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH CỦA VIỆT NAM
1. Diễn biến của dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Cô-rô-na (Covid-19) khởi phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện vào ngày 08/12/2019, sau đó diễn biến rất phức tạp do tốc độ lây lan của dịch bệnh tăng theo cấp số mũ. Đến ngày 31/12/2019, Trung Quốc chính thức thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về bùng phát dịch. Đến ngày 06/02/2020, số người chết do bệnh viêm phổi cấp lên tới 565, trong đó có 563 người ở Trung Quốc đại lục, một người ở Phi-líp-pin, một người ở Hồng Công; số ca nhiễm bệnh cũng tăng lên 28.276 trên toàn cầu.
Trước tình hình này, ngày 31/01/2020, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch viêm phổi cấp do vi-rút Cô-rô-na chủng mới gây ra. Ngày 11/3/2020, WHO chính thức công bố dịch Covid-19 do vi-rút Cô-rô-na chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu.
Tính đến thời điểm 17h ngày 30/3/2020,ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổđã có hơn 735.000 ca nhiễm, hơn 34.000 người tử vong. Mỹ hiện trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với tổng số hơn 140.000 trường hợp mắc Covid-19 và hơn 2.000 trường hợp tử vong, trong đó, thành phố New York có số ca tử vong nhiều nhất nước Mỹ với hơn 700 ca chiếm khoảng 1/3 nước Mỹ.
Tại châu Âu, Italia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với tổng số 97.689 ca nhiễm và gần 11.000 ca tử vong, tính đến ngày 30/3/2020. Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 80.110 ca nhiễm và 7.340 ca tử vong.
Tại châu Á, Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai, sau Trung Quốc đại lục. Tính đến ngày 30/3/2020, Iran có 38.309 ca nhiễm và 2.640 ca tử vong - một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao (7,7%). Hàn Quốc, số liệu đến ngày 29/3/2020 đã có tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.478 ca nhiễm và 114 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, tính đến ngày 30/3/2020, Ma-lai-xi-a tiếp tục là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2470 ca nhiễm và 35 ca tử vong. In-đô-nê-xi-a với 1285 ca nhiễm và 114 ca tử vong.
Theo WHO, tâm dịch Covid-19 hiện nay đã chuyển từ châu Á sang châu Âu. Lý giải về sự bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu, một số nhà khoa học hiện nay cho rằng:
Thứ nhất, châu Âu và Mỹ là nơi có khí hậu lạnh, mà khí hậu lạnh lại rất thích hợp với sự phát triển của Covid-19.
Thứ hai, so với các nước ở châu Á, các nước ở phương Tây nhìn chung dân số già hóa, tỷ lệ người già cao, mà qua thống kê số người tử vong vì bệnh Covid-19, những người già thường khó qua khỏi so với người trẻ tuổi.
Thứ ba, hệ thống y tế công cộng ở một số nước châu Âu như: Italia, Pháp vấp phải sự quá tải, thiếu thốn nhân lực, tài lực và thiết bị.
Thứ tư, tâm lý chủ quan, khinh suất ở châu Âu rất lớn. Lãnh đạo các nước châu Âu cho rằng dịch bệnh Covid-19 chỉ là cúm mùa thể nặng đã gây tử vong cho nhiều người dân châu Âu trong nhiều năm qua, Vì vậy, họ coi dịch Covid-19 là rất bình thường. Thậm chí chính phủ Anh còn cho rằng nước Anh có cách tiếp cận “miễn dịch cộng đồng”, người dân “tự do phóng nhiễm” (không can thiệp, để thả tự do)… Khi dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng khắp các nước châu Âu, một số giới chức lãnh đạo ở châu Âu còn tỏ ra thụ động trong phòng chống dịch bệnh, không quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh mà chỉ chủ trương “từ từ làm chậm đà phát triển của dịch”. Các nước châu Âu còn thiếu biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang tràn lan…
Thứ năm, Hiệp ước tự do đi lại (Hiệp ước Schengen) của EU cho phép người dân các nước trong Liên minh châu Âu được tự do đi lại, cư trú, mà Covid-19 là loại bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan do tiếp xúc thông thường.
Thứ sáu, châu Âu luôn đề cao quyền riêng tư và tự do cá nhân, trong khi châu Á luôn đề cao tính cộng đồng, yếu tố tập thể hơn, vì vậy theo phong tục tập quán ở phương Tây, châu Âu sẽ rất khó có những hành động quyết liệt trong việc chống lại dịch bệnh vi-rút chủng mới Covid-19, bởi vì các biện pháp chống dịch được thực hiện sẽ hạn chế sự thoải mái và sự tự do cá nhân của người dân châu Âu.
Thứ bảy, các nước châu Âu dường như chú trọng vào yếu tố kinh tế và chính trị nhiều hơn, họ lo ngại, nếu mạnh tay chống dịch sẽ làm tổn thương đến kinh tế và động chạm đến các vấn đề chính trị nhạy cảm.
Theo các chuyên gia, hiện nay, việc xét nghiệm cho tất cả các đối tượng nghi lây nhiễm Covid-19 là thách thức với mọi quốc gia vì trong thời gian đầu không có kít thử, sau này có kít thử thì các nước đang phát triển không có đủ phòng xét nghiệm. Việc điều trị đến nay chưa có thuốc đặc hiệu và phác đồ điều trị chuẩn. Việc nghiên cứu vắc xin rất khẩn trương, tuy nhiên, để có thể đưa vắc xin vào sử dụng phải mất tối thiểu 01 năm. Đặc biệt, do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội, khủng hoảng trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến chống dịch trong đó có khẩu trang, máy thở, kit thử... diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, tất cả các nước đều phải đứng trước sự tính toán, cân nhắc giữa việc ưu tiên các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kiểm soát, hạn chế giao lưu với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Ở Việt Nam, ngày 23/01/2020 ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm 15 trường hợp. Tất cả 16 trường hợp này đều được chữa khỏi hoàn toàn. Sau 22 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới, ngày 06/3/2020, Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên từ châu Âu, cuộc chiến phòng, chống dịch bắt đầu bước sang một giai đoạn mới (dịch thâm nhập từ nhiều hướng và đã tiềm ẩn trong cộng đồng). Tính đến ngày 30/3/2020, Việt Nam đã ghi nhận có tổng số 203 ca nhiễm mắc mới, trong đó 55 trường hợp đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong
2. Công tác ứng phó, chủ động phòng, chống dịch của Việt Nam
Khi có thông tin về ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán và nguy cơ lây lan của
căn bệnh này, ngày 16/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế (phối hợp với WHO) khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác cách ly, xét nghiệm, khám, điều trị.
Đến ngày 23/01/2020 khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên tại
bệnh viện Chợ Rẫy, Tp. Hồ Chí Minh, Thủ t
ướng Chính phủ ban
hành Công điện số 121/CĐ-TTg và liên tiếp các ngày 28, 30/01/2020, Thủ
t
ướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, Chỉ thị số 06/CT-TTg,
trong đó quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch được thành lập.
Ngày 30/01/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn sổ
79-CV/TW, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn the nhân dân khân trương vào cuộc. Xác định phòng, chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Mặc dù đánh giá Việt Nam có năng lực chống dịch bệnh tốt hơn nhiều
n
ước đang phát triển, tuy nhiên, WHO cũng thống nhất nhận định của Bộ Y tế là Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn đáng chú ý là:
Thứ nhất, việc ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài rất khó khăn do xung đột với yêu cầu giao thương, giao lưu đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, và quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược.
Thứ hai, trong thời đại thông tin trên Internet, nhất là mạng xã hội phát triển mạnh, người dân dễ bị tác động bởi thông tin xấu độc gây hoang mang, thậm chí kích động phân biệt, chia rẽ.
Thứ ba, nếu dịch lây lan rộng trên thế giới, sẽ dẫn tới khan hiếm máy móc, trang thiết bị vật tư y tế trong khi Việt Nam chưa sản xuất được nhiều thiết bị.
Thứ tư, năng lực đội ngũ y bác sĩ (cả về số lượng và chất lượng), cơ sở vật chất trang thiết bị còn khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển, khó đáp ứng được yêu cầu điều trị khi có nhiều ca bệnh trong một thời gian ngắn.
Thứ năm, việc chống dịch cần sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các ngành, các cấp, các lực lượng và năng lực ra quyết định, phản ứng nhanh.Thực tế trong các đợt chống dịch trước đây cho thấy đây luôn là điểm còn nhiều bất cập.
Trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình dịch, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 11/3/2020, tập trung thực
hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bố trí nguồn lực cho các hoạt động y tế, bảo đảm môi trường, hỗ trợ kiểm soát phòng, chống dịch.
Ngày 21/3/2020, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 172-TB/TW về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế. Động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ... Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, thường xuyên để các nước hiểu được chủ trương, chính sách của ta trong quá trình phòng, chống dịch bệnh…
Đặc biệt, ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Toàn hệ thống chính trị tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công tác chống dịch…
Nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Từ khi dịch bùng phát ở châu Âu, Hoa Kỳ tới nay đã có hàng trăm chuyến bay, hàng chục nghìn người nhập cảnh từ các quốc gia, khu vực có dịch. Những người nhập cảnh này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện được một ca nhiễm bệnh, việc truy vết để tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm hết sức khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, đến thời điểm 30/3/2020, Việt Nam đã có 203 ca nhiễm, trong đó 55 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong.
Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Từ thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, bước đầu có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cần được tiếp tục phát huy, đó là:
Một là, có sự lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời, sát sao của Đảng, Nhà
n
ước từ cấp cao nhất. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế, lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Hai là, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Người dân
ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong phòng,  chống dịch, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng.
Ba là, tranh thủ được sự chia sẻ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, ASEAN, các quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh.
Bốn là, kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly Khoanh vùng - Dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện) và nguyên tắc 4 tại chỗ, điều trị phân tán…
II. TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19 ĐỐI VỚI THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
1. Đối với thế giới
1.1. Tác động đến kinh tế
Các chuyên gia nhận định dịch Covid-19 đang tạo ra 02 thách thức lớn:
(1) Sự bất trắc gây ra bởi Covid-19, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn chưa thể đánh giá chính xác được mức độ nguy hiểm, thời điểm kiểm soát được dịch.
(2) Tác động tiêu cực từ các biện pháp ngăn chặn đại dịch. Hai yếu tố này tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu, từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, quan hệ cung - cầu, đến việc giảm nhu cầu, thay đổi thói quen chi tiêu, đi lại của người tiêu dùng, dẫn đến sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tâm lý lo ngại rủi ro, thậm chí hoảng sợ của các nhà đầu tư tài chính.
Việc các nước lần lượt phong tỏa, hạn chế đi lại cũng làm giảm khả năng hợp tác, phối hợp quốc tế trong ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, dịch bệnh xuất hiện đầu năm 2020 tạo nên một sự cộng hưởng các yếu tố dẫn đến những biến động sâu rộng trên thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu. Chỉ số chứng khoán của các nền kinh tế lớn Mỹ, EU, châu Á liên tục sụt giảm; giá dầu thế giới giảm 26% xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua; nhiều ngành kinh tế chủ chốt, trong đó có hàng không chịu thiệt hại nặng; hoạt động sản xuất và dịch vụ tại nhiều nước bị “tê liệt”, có thể làm 25 triệu người mất việc làm. Kinh tế thế giới được dự báo sớm rơi vào suy thoái. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ ở mức 2,4%, giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Theo Bloomberg, trong kịch bản xấu nhất, GDP toàn cầu có thể giảm về 0% năm 2020. Ước tính, cần tới 26.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu, để khôi phục kinh tế thế giới. Mỹ, EU, Nhật Bản và các định chế tài chính quốc tế đã công bố các gói hỗ trợ tài chính giúp các nước ứng phó dịch bệnh và khôi phục kinh tế.
Cụ thể đối với một số nền kinh tế:
Với kinh tế Mỹ, các chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ tháng 3/2030 khi dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ. Tăng trưởng GDP của Mỹ quý 2/2020 được dự báo chỉ đạt 0% hoặc thậm chí âm. Để phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc đông người, nhiều doanh nghiệp, trung tâm bán lẻ lớn tại Mỹ như Macy’s, TJ Max, Walmart, Target... đã thông báo giảm thời gian mở cửa hoặc tạm thời đóng cửa đến cuối tháng 3/2020. Nhiều doanh nghiệp đang ưu tiên giảm lượng hàng tồn kho, chú trọng nhập thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, chống dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh tại Mỹ kéo dài, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng may mặc, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Việc các đối tác nhập khẩu của Mỹ tiếp tục đề nghị hoãn hoặc hủy các đơn hàng là khó tránh khỏi.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Cục dự trữ liên bang Mỹ tối ngày 19/3 đã ký Hiệp định hoán đổi tiền tệ quy mô 60 tỷ USD, thời hạn tối thiểu 6 tháng (đến 19/9) và có thể gia hạn tùy tình hình. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết hai nước ký Hiệp định trên để có thể hoán đổi tiền USD ngay lập tức, nhằm giải quyết tắc nghẽn trên thị trường tiền USD gần đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định do dịch Covid-19 đang có xu thế lây lan mạnh ở Mỹ và châu Âu, những tác động tích cực từ Hiệp định hoán đổi tiền tệ Hàn - Mỹ có thể sẽ chỉ ở mức giới hạn.
Ngân hàng Unicredit Bank Austria dự báo, GDP của Áo sẽ giảm 0,6%, chủ yếu do Covid-19; nền kinh tế Áo sẽ suy giảm trong nửa đầu năm, sau đó hồi phục và phát triển trong nửa cuối năm nay. Theo thông tin của Hiệp hội Thương mại Áo, khoảng 80% các nhà bán lẻ trong các lĩnh vực liên quan đến thời trang, điện từ và trang sức đã bị lỗ trung bình khoảng 25% kể từ đầu tháng 3/2020. Ngành xây dựng của Áo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; ngày 18/3, tập đoàn Strabag, công ty xây dựng lớn nhất tại Áo, đã quyết định ngừng khoảng 1.000 công trình đang được triển khai tại Áo, gây ảnh hưởng tới việc làm của hơn 11.000 lao động.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy thoái do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Thị trường tài chính thế giới biến động mạnh, bất chấp những biện pháp kích cầu khẩn cấp quy mô lớn của các ngân hàng châu Âu, châu Mỹ, châu Á và Australia; triển vọng tăng trưởng kinh tế thê giới liên tục được điều chỉnh giảm trong 2 tháng qua, từ 3,1% xuống 1,6%; hầu hết các nền kinh tế lớn bước vào giai đoạn suy thoái. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp chính sách, hành động quyết liệt và sáng tạo với đầu tàu là những nền kinh tế lớn và các tổ chức tài chính thế giới.
Với kinh tế khu vực, các chuyên gia đánh giá các nền kinh tế trong khu vực đều chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19: kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng âm trong Quý 1/2020 do các thị trường đầu ra của ngành sản xuất Trung Quốc như Mỹ, EU đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; theo đó, OECD nhận định các đối tác có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc như Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. CNBC cho rằng suy giảm sản xuất tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Xinh-ga-po và Hàn Quốc.
ASEAN chịu tác động lớn khi hoạt động giao thương, du lịch với Trung Quốc, Mỹ, EU bị gián đoạn. Một số bài báo tại Mỹ trích dẫn các số liệu, nhận định ngành du lịch Việt Nam sẽ thiệt hại nặng do lượng du khách quốc tế giảm đột ngột. Hoạt động sản xuất công nghiệp, bán lẻ và xuất khẩu cũng sẽ chậm lại. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực sẽ giảm đáng kể do nhu cầu rút vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh và suy thoái toàn cầu vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định đây là cơ hội để các nước trong khu vực chuyển đổi đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ tiếp diễn khi các nước và tập đoàn quốc tế thấy rõ các tác động, rủi ro của việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
1.2. Tác động đến xã hội
Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; kéo theo đó là việc giảm tổng cầu xã hội và gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt…
Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp”, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Nhóm lao động tự làm ở các nước đang phát triển, vốn thường là tấm đệm giúp làm nhẹ bớt độ xung của những tác động do những thay đổi đột ngột mang lại, thì lần này sẽ không còn tác dụng vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. ILO ước tính, sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người). Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
ILO cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết đoán; trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế và việc làm, và hỗ trợ việc làm và thu nhập. Những biện pháp này bao gồm: mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương, và các trợ cấp khác), giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể; tăng cường đối thoại xã hội - đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ; xây dựng niềm tin của công chúng và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cập nhật…
Theo Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, tỷ lệ thất nghiệp do dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã tăng từ 5,2% lên 6,2%, tương đương 5 triệu người bị mất việc làm. Con số này không kể đến người lao động nhập cư, người lao động chưa thể trở lại làm việc, hay không có hợp đồng chính thức. Công ty này ước tính dịch Covid-19 có thể khiến những người lao động nhập cư ở Trung Quốc tổn thất đến 800 tỷ NDT (115 tỷ USD) vì không có thu nhập. Tổng cầu xã hội của Trung Quốc đang và sẽ giảm cả do sự căng thẳng về nguồn thu nhập của người lao động mất việc, cũng như do tâm trạng lo âu dẫn đến tăng tiết kiệm “phòng cơ” của người dân. Theo một cuộc khảo sát của Rong360.com, 64,4% người cho biết sẽ hạn chế chi tiêu sau khi dịch bùng phát, chỉ có 31,4% người không thay đổi thói quen chi tiêu. Nền kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ thu hẹp kỷ lục lần đầu tiên kể từ năm 1976. Đây là một cú sốc, một cuộc suy thoái tạo nên một Trung Quốc khác sau cơn đỉnh của dịch, nhiều doanh nghiệp có thể đạt công suất 70%, 80% đến 90%, song nguồn cung trở nên dư thừa vì không có đủ nhu cầu trên thị trường cả trong nước và nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bị đối tác đề nghị hoãn thanh toán hoặc từ chối, hủy đơn hàng. Điều này đồng nghĩa với thu hẹp thị trường việc làm tương lai của hàng chục triệu lao động Trung Quốc và các nước. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tung ra một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, như hướng lãi suất thị trường xuống mức thấp hơn và hỗ trợ thanh khoản để giúp các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ thêm thanh khoản cho một số ngân hàng thông qua việc thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Ngày 20/02, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm thêm 0,1%, xuống 4,05%, và giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm xuống 4,75%. Lãnh đạo Trung Quốc tin rằng sau khi dịch bệnh kết thúc, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư bị dồn nén sẽ được giải phóng hoàn toàn, và nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục nhanh chóng.
Tình hình ở Mỹ xấu đi nhanh đến mức các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II/2020 từ -4% xuống còn -30,1%; tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 12,8%, mức tiêu thụ giảm 31%. Số người nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp ở Mỹ đang tăng lên mức kỷ lục, khoảng 3 triệu người. Bank of America cho biết tình trạng công nhân nghỉ việc đang lan trọng khi các nhà máy đóng cửa hoặc dừng sản xuất. Trong khi đó, các bệnh viện cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị và nhân viên trong bối cảnh khủng hoảng. Hàng triệu người Mỹ đang được yêu cầu tự cô lập khi các trường hợp nhiễm Covid-19 ở nước này vượt qua 19.000 người, với hơn 260 người thiệt mạng, 45 tiểu bang đã đóng cửa các trường học, quán bar và nhà hàng. Bởi vậy, ngay trong nửa đầu tháng 3, Mỹ đã nhanh chóng thông qua gói tài chính trị giá 104 tỉ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch Covid-19, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 miễn phí. Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm. Trước đó, một gói hỗ trợ 8,3 tỷ USD cũng được thông qua để các cơ quan y tế nghiên cứu và phát triển vắc-xin. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, gói kích thích để chống lại tác động của Covid-19 với kinh tế Mỹ có thể tăng lên 2.000 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP, để giữ các doanh nghiệp cùng tồn tại, người lao động được trả lương. Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ ba của Chính phủ Mỹ để giảm bớt tác động từ Covid-19. Đặc biệt, ngày 15/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1 - 1,25% hiện nay xuống còn 0 - 0,25%. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần FED hạ lãi suất đồng USD, và cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc Khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2009 FED giảm lãi suất xuống thấp ở mức gần như tượng trưng như vậy; đồng thời thông báo kế hoạch mua vào ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu nhằm bình ổn các thị trường tài chính…
Ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunack đã công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh vay trị giá 330 tỷ Bảng nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang lan rộng ở nước này. Chính phủ Anh cũng cam kết sẽ bổ sung và làm "bất cứ điều gì" để giúp các công ty và người dân có đủ khả năng tài chính duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất, chi trả lương cho nhân viên... Trước mắt, Chính phủ sẽ cung cấp gói hỗ trợ thuế và các biện pháp khác trị giá 20 tỷ Bảng nhằm bảo vệ doanh nghiệp và hộ gia đình đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thuế đối với bất động sản cho kinh doanh thương mại được miễn trong năm nay cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, vui chơi giải trí và du lịch. Các cửa hàng, nhà hát, nhà hàng ăn sẽ không phải trả lãi suất vay ngân hàng trong 12 tháng, hay những người đang gặp tài chính khó khăn do Covid-19 được miễn trả lãi suất của khoản vay trả góp trong 3 tháng. Ngoài ra, gói hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá 25.000 Bảng cho các công ty trong thời kỳ kinh doanh sản xuất gián đoạn cũng được đưa ra.
Pháp có khả năng đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm 2020, và đã công bố gói hỗ trợ 45 tỷ euro (khoảng 50,22 tỷ USD) cho các doanh nghiệp và người lao động chịu tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt, ngày 21/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn một đề xuất của Pháp để bảo đảm khoản viện trợ quốc gia lên tới 300 tỷ euro (323 tỷ USD) nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, một tình huống chưa từng có từ trước đến nay. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông sẵn sàng quốc hữu hóa các công ty lớn nhằm bảo vệ những công ty này khỏi bị phá sản. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc bơm vốn hoặc mua cổ phần, thậm chí quốc hữu hóa công ty trong trường hợp cần thiết.
Ngày 17/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói biện pháp (cho vay, đảm bảo tín dụng, viện trợ trực tiếp) trị giá 200 tỷ euro (tương đương 219 tỷ USD, chiếm 20% GDP); trong đó, 100 tỷ euro (109,7 tỷ USD) để đảm bảo tín dụng và duy trì thanh khoản không giới hạn cho các công ty. Chính phủ sẽ huy động 117 tỷ euro (128 tỷ USD) và số còn lại sẽ đến từ các công ty tư nhân.
Lo ngại khủng hoảng do đại dịch Covid-19 có thể sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng,gói kích thích kinh tế của Ba Lan trị giá gần 52 tỷ USD, tương đương gần 10% tổng sản phẩm quốc nội của nước này sẽ được triển khai kéo dài trong nhiều tháng nhằm giúp doanh nghiệp trả lương cho người lao động, tránh phải cắt giảm nhân sự, cho phép trả chậm các khoản an sinh xã hội và tăng mức chi tiêu cho hạ tầng và chăm sóc y tế.
Chính phủ Séc đã chuẩn bị gói hỗ trợ 1000 tỷ kuron (tương đương 40 tỷ USD) để nhằm vực dậy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Gói hỗ trợ này sẽ bao gồm 100 tỷ kuron dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và 900 tỷ kuron khác thông qua bảo lãnh cho vay.
Chính phủ Romania cũng đã phê duyệt gói viện trợ trị giá gần 2% GDP của Romania để hỗ trợ thất nghiệp, bảo đảm hạn mức tín dụng cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty hoãn nộp thuế thu nhập tối đa 2 tháng…
Chính phủ Thái Lan ngay từ đầu tháng 2 cũng đã đưa ra Chương trình tổng thể hỗ trợ khẩn cấp cho các công ty lữ hành (cho vay ưu đãi, hoãn trả vốn và lãi trong 6 tháng, tạm hoãn đóng thuế thu nhập...), đồng thời giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay và giảm phí sân bay để trợ giúp cho ngành hàng không của nước này...
1.3. Tác động đối với nhiều lĩnh vực cụ thể khác, đặc biệt là du lịch
Quyết định đình chỉ các hoạt động du lịch ở trong nước và nước ngoài của Chính phủ Trung Quốc, kể từ ngày 28/01/2020, có tác động lớn đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, nhất là các nước láng giềng châu Á, như Thái Lan (năm 2018, đón 10,5 triệu khách du lịch Trung Quốc); Nhật Bản (8,4 triệu); Hàn Quốc (5 triệu); Việt Nam (5 triệu); Xinh-ga-po (3,4 triệu); Ma-lai-xi-a (2,9 triệu)… không kể Hồng Công (49 triệu). Chi phí của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng 130 tỉ USD. Theo Oxford Economics, thu nhập từ du lịch của các quốc gia đón nhiều du khách Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh trong thời gian tới và có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.
Ngành du lịch Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn, có thể lớn hơn so với dịch SARS năm 2003 gây ra, bởi quy mô ngành du lịch của Trung Quốc ngày nay lớn hơn gấp đôi so với năm 2003, đóng góp khoảng 5% GDP. Số lượng khách du lịch hàng không đã tăng gần 10 lần và du lịch đường sắt cũng tăng mạnh so với trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Hiệp hội Liên minh các ngành nghề du lịch Pháp (UMIH), nếu dịch bệnh viêm phổi cấp kéo dài, sẽ có tác động mạnh đến hoạt động du lịch, nhất là đối với ngành khách sạn và kinh doanh hàng xa xỉ. Riêng đối với lĩnh vực hàng xa xỉ, tác động của việc mất khách Trung Quốc là rõ ràng nhất. Theo ngân hàng UBS, hàng năm, khách hàng Trung Quốc mua đến 1/3 đồ xa xỉ toàn cầu, so với 1/10 vào thời điểm xảy ra dịch SARS năm 2003.
1.4. Tác động đến quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước
Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước và đối tác trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn.Việc phân biệt đối xử với những người đến từ vùng dịch bệnh và công dân của các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sẽ có tác động xấu đến quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước. Những diễn biến liên quan đến dịch bệnh có thể làm cho "chuyện nhỏ trở thành chuyện lớn" giữa các quốc gia, dân tộc; giữa các khu vực và châu lục với nhau.
Đây là vấn đề khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều do liên quan đến sự khác biệt về chính sách, chủ trương, biện pháp xử lý khủng hoảng và chống dịch bệnh của từng nước. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, giải quyết vấn đề này còn khó khăn, phức tạp và lâu dài hơn cả việc xử lý vấn đề kinh tế do tác động của dịch bệnh.
Đối với quan hệ Mỹ - Trung, theo các chuyên gia, Mỹ có thể sẽ không lợi dụng tình hình khó khăn hiện nay ở Trung Quốc để gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược nói chung và cuộc chiến thương mại giữa hai nước trong thời gian tới nói riêng, nhưng cũng không vì thế mà Mỹ sẽ giảm cạnh tranh với Trung Quốc.
2. Tác động đến Việt Nam
2.1. Tác động đến kinh tế - xã hội
                Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh Covid-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội Việt Nam bởi tác động của nó là nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội; với 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Cụ thể, sự tác động đối với từng lĩnh vực như  sau:
2.1.1. Đối với ngành chế tạo
Các ngành và doanh nghiệp chế tạo của Việt Nam (chiếm 16% GDP) đang chịu áp lực nặng nề từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng tại khu vực kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc, bởi quốc gia láng giềng hay “công xưởng của thế giới này” là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng và là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Việc thiếu nguyên liệu đầu vào do kinh tế Trung Quốc thu hẹp và việc Trung Quốc tạm thời đóng cửa biên giới thời gian vừa qua, cộng với việc Trung Quốc “khóa chặt” nhiều tỉnh/thành phố để hạn chế dịch lây lan, sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020. Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến một số dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc do bị hạn chế trở lại Việt Nam phòng lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI lớn, như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda,… đã gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và nhân lực đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu tồn kho và nguồn thay thế hạn chế. Để khắc phục khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp lớn, như Samsung đã phải thuê máy bay chở linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng. Các chuyên gia Fitch Solutions nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn hàng hóa đầu vào thay thế trong thời gian ngắn. Điều này sẽ khiến cho xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và với thế giới nói chung sa sút và càng khiến tình trạng thất nghiệp hoặc nghỉ việc tạm thời do thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng hơn.
2.1.2. Giao thương quốc tế
Sự sa sút về kinh tế cũng như đóng cửa biên giới tạm thời của Trung Quốc cũng tác động làm gián đoạn quan hệ giao thương của nước này với thế giới, trong đó có Việt Nam. Tình trạng  xuất nhập khẩu (XNK) bị đình trệ khiến thuế XNK, một nguồn thu ngân sách quan trọng, cũng bị tác động rõ rệt. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, số thu từ hoạt động XNK đạt 23.700 tỷ đồng, giảm hơn 2.300 tỷ đồng so với tháng 1, bình quân mỗi ngày số thu 2 tháng đầu năm nay khoảng 1.308 tỷ đồng, ít hơn 150 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết KNXNK các mặt hàng có số thu lớn (máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu,...) đều giảm. Trong đó, ôtô nguyên chiếc các loại ghi nhận lượng sụt giảm kỷ lục nhất khi tháng 2 chỉ có 6.000 xe được nhập về, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng xăng dầu nhập khẩu cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019, khi chỉ đạt 650.000 tấn. Ngoài ra, máy móc, thiết bị, phụ tùng có giá trị nhập khẩu 2,5 tỷ USD, giảm gần 4% so với tháng 1. Sắt thép nhập khẩu các loại cũng giảm gần 9% sản lượng, chỉ đạt 900.000 tấn. Năm 2020, số thu ngân sách được giao của hải quan là 338.000 tỷ đồng, như vậy mỗi tháng phải thu gần 28.200 tỷ. Tuy nhiên, với số thu sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, để đạt kế hoạch, dự kiến bình quân mỗi tháng còn lại hải quan phải thu 28.830 tỷ đồng. 
2.1.3. Ngành du lịch
Có thể nói, ngành du lịch là ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất do lượng du khách từ nước ngoài, cũng như du lịch nội địa sẽ bị hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19. Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam ước tính sẽ thiệt hại trong “khoảng từ 6 - 7 tỉ USD” trong 2 quý đầu năm bởi riêng du khách Trung Quốc, sẽ giảm 90 - 100%. Ngoài Trung Quốc, theo ước tính của các cơ quan chức năng, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh, khoảng 50% - 60% trong giai đoạn có dịch. Tuy nhiên, con số thiệt hại ước tính trên mới chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, chứ chưa tính đến thiệt hại từ việc “kiệt sức” của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chính là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay. Đó là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí,...). Đồng thời, ngành du lịch có tác động đa ngành, nên nếu phát triển mạnh thì có thể kéo theo rất nhiều ngành nghề khác đi lên. Ngược lại, nếu du lịch “hắt hơi” thì các lĩnh vực khác sẽ “sổ mũi” theo. Nên thiết nghĩ, sẽ không thể tính được tất cả những thiệt hại của ngành du lịch và chắc chắn sẽ vượt hơn nhiều con số 7 tỉ USD mà Tổng cục Du lịch ước tính. Không những thế, con số thiệt hại này được đưa ra khi dịch Covid-19 mới chủ yếu hoành hành ở Trung Quốc (khoảng đầu tháng 2), còn nay nó đã lan rộng thành đại dịch toàn cầu, Việt Nam đã ngừng vận chuyển hàng không và tạm ngừng xuất nhập cảnh đến hàng chục quốc gia, và con số lây nhiễm tại Việt Nam đã lên đến hơn 90 ca trải rộng ra nhiều địa phương trong cả nước, thì tác động và thiệt hại của ngành du lịch còn lớn hơn rất nhiều. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp du lịch sẽ phá sản..
2.1.4. Giao thông vận tải
Sau du lịch, giao thông vận tải, nhất là hàng không, là ngành phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19 từ Trung Quốc. Việc dừng bay tới Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam bị giảm 5,1 triệu khách, chiếm 62% thị phần của thị trường 8,1 triệu khách này (năm 2019). Với các thị trường khác, từ cuối tháng 3, các hãng Việt Nam đã cắt giảm gần 100% chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, năm 2019 các hãng Việt Nam vận chuyển 554.000 khách, chiếm 32% thị phần Hồng Kông; chở 1,7 triệu khách, chiếm 52% thị phần đường bay Việt Nam - Đài Loan; chở 3,1 triệu khách, chiếm 33% thị phần Hàn Quốc; và chở 2,1 triệu khách, chiếm 73% thị phần Nhật Bản. Ngoài ra, trên đường bay quốc tế đến châu Âu, Australia và Đông Nam Á, tình trạng cũng tương tự như vậy.
Từ những diễn biến phức tạp trên, Cục Hàng không nhận định, các hãng hàng không Việt Nam có thể thất thu khoảng 30.000 tỉ đồng trong năm 2020. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến giảm 12.500 tỉ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm khoảng 732,8 tỉ đồng. Nói về thiệt hại của ngành, ông Dương Chí Thành, Tổng Giám đốc VNA, cho biết, “Ngành hàng không sẽ phải đối mặt với bước lùi 3 - 4 năm. Sau mấy năm phấn đấu, tích lũy bây giờ có thể về lại con số 0”.
Không riêng gì ngành hàng không, ngành vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải cũng chịu tác động khá tiêu cực. Đội tàu của Vinalines chủ yếu hoạt động trên các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trong đó sản lượng và doanh thu liên quan đến thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%... Ngoài việc ảnh hưởng đến các tuyến khai thác đi và đến Trung Quốc, dịch bệnh còn ảnh hưởng chung đến toàn bộ thị trường vận tải biển khu vực cũng như trên toàn thế giới, khan hiếm nguồn hàng, tiền cước, sự gia tăng ngày tàu chờ/chạy rỗng dẫn tới sự tăng vọt về chi phí,…
Đối với lĩnh vực khai thác cảng biển, sản lượng hàng thông qua các cảng của Vinalines hàng năm khoảng trên 100 triệu tấn, trong đó lượng hàng từ Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 35 - 40% tổng sản lượng, nhưng do tàu không cập cảng, thời gian neo tàu dài và không có hàng dẫn tới các doanh nghiệp cảng biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Dự kiến 6 tháng đầu năm, sản lượng khối cảng biển toàn Tổng công ty ước tính giảm gần 19 triệu tấn, doanh thu ước giảm 992 tỷ đồng và giảm khoảng 224 tỷ đồng lợi nhuận. Sản lượng vận tải của đội tàu Vinalines giảm 10 - 15%, doanh thu giảm khoảng 600 tỷ đồng và lỗ toàn đội tàu sẽ tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng, đặc biệt là đối với nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay - việc trả nợ gốc và lãi vay đối với các khoản nợ và các ngân hàng thương mại là vô cùng khó khăn. Thậm chí, theo đại diện Vinalines, “Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến giữa quý II/2020, nhiều khả năng hầu hết đội tàu của Vinalines sẽ phải dừng hoạt động, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu”.
2.1.5. Nông nghiệp và thị trường hàng nông sản
Thương mại hàng nông sản của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm 24% tổng giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Dịch bệnh đã khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2020 bị giảm tới 14%. Những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 sau Tết Nguyên đán, con đường thông thương bị đóng cửa, thương mại giữa hai nước ngưng trệ. Hậu quả là, hết tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước chỉ đạt 3 tỷ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó có một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ (các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 42 triệu USD, bằng 93,6%; xuất khẩu thủy sản ước đạt 644 triệu USD, bằng 87,5%, xuất khẩu lâm sản chính ước đạt 883 triệu USD, bằng 84,4%). Hầu hết các sản phẩm trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến, đang gặp rất nhiều khó khăn, tồn đọng hàng chục nghìn tấn. Mặc dù cuối tháng 3, hai bên đã cố gắng đẩy mạnh tiến độ thông quan, song vẫn còn tình trạng ùn ứ do 2 bên phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, có thể khẳng định, ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tới lĩnh vực nông nghiệp, nhất là xuất khẩu nông sản, là rất lớn. Ảnh hưởng này không chỉ là trước mắt, mà có thể còn kéo dài, bởi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới dừng lại.
2.1.6. Lao động, việc làm
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại cuộc họp ngày 24/3 sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, cả nước xác nhận được 9,2 triệu người có công, trong đó trên 1,3 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Các chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, bình quân hằng năm đã giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 - 1,6 triệu người, đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, khoảng 2% - 2,2%, tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội lên khoảng 574.000 người. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85,3 triệu người, chiếm 90% dân số…
Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác phòng, chống dịch đã bước sang giai đoạn mới với nhiều thách thức lớn. Một loạt lao động trong khu vực kinh tế tư nhân đang chịu cảnh nghỉ không lương hoặc phải giãn, giảm thời gian làm việc, thu nhập giảm sút, không được đóng bảo hiểm xã hội trong tháng cao điểm dịch Covid-19 vì hầu như doanh nghiệp không có việc làm.
Theo Cục Thuế Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2020 có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giải thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22% đến 37,8%. Do tác động của Covid-19 và chính sách hạn chế đồ uống có cồn, Hà Nội có hơn 3.400 đơn vị, hộ kinh doanh giải thể, tạm nghỉ kinh doanh. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội là đơn vị 100% vốn Nhà nước với 26 đơn vị thành viên, bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, cả 4 lĩnh vực hoạt động gồm: Lĩnh vực vận tải xe buýt; vận tải liên tỉnh; kinh doanh các điểm, bãi đỗ xe; kinh doanh đại lý ô tô. Đặc biệt, lĩnh vực vận tải công cộng đang có khoảng 7 nghìn lao động bị ảnh hưởng. Với việc giảm tần suất trên 1 nghìn lượt xe, Tổng Công ty đang thực hiện giãn công, giãn ca, cho nghỉ phép... để vẫn thực hiện trả lương (dù giảm so với trước) cho người lao động.
Hãng hàng không Vietjet Air bị sụt giảm doanh thu từ 30 đến 50% trong quý I/2020; cắt giảm 30% lương của lãnh đạo; bảo đảm việc làm của người lao động nhưng phải cắt giảm giờ làm, duy trì mức lương chỉ bằng hai phần ba trước đây.
Đến ngày 23/3, cả nước đã có gần 7.000 người Việt Nam ở tâm dịch trở về nước; 700 tiếp viên hàng không, những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong tốp 3 nhưng vẫn đăng ký không nhận lương hoặc nghỉ không hưởng lương 2 đến 3 tháng.
Sự bùng phát và lan rộng của dịch Covid-19 và việc hạn chế nhập cư của một số quốc gia (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...) cũng tác động trực tiếp, làm đình trệ tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, một số nước châu Âu… đã tạm dừng tiếp nhận lao động từ các nước có dịch, trong đó có Việt Nam trong thời điểm này.
Những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được tích cực triển khai, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bộ Tài chính đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2020, với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh;… Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng tích cực vào cuộc, kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức thành viên của Hiệp hội đề cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài; theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường… Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực ủng hộ về vật chất và tinh thần, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động.
2.1.7. Giáo dục, đào tạo
Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành giáo dục - đào tạo của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.Từ khi dịch bùng phát đến nay, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và tư thục đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phải sắp xếp lại kế hoạch các kỳ thi và đánh giá chất lượng với mọi cấp học. Theo đó, Bộ đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung về khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó, lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020; thi Trung học phổ thông quốc gia từ ngày 08/8 đến 11/8/2020. Hệ thống các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đã chủ động triển khai công tác giảng dạy, đào tạo online, E-learning để giảm bớt việc tập trung đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Một số cơ sở đào tạo có chính sách ưu đãi, giảm 15-20% học phí cho toàn bộ học sinh, sinh viên để chia sẻ gánh nặng với người học, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên và phụ huynh.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục dưới sự tác động của dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn và các ảnh hưởng tiêu cực khó lường khác.
2.2. Tác động đến tình hình tư tưởng
Khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính khiến cả cộng đồng lo lắng, bất an. Tuy nhiên, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua hoạt động tuyên truyền của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngày càng được nâng lên, mỗi người dân đều nêu cao ý thức tự phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng và cơ bản thực hiện khai báo y tế đầy đủ, trung thực. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đại đa số nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền; không hoang mang, dao động trước những thông tin trái chiều, không chính xác.
Bên cạnh sự căng thẳng, lo âu của toàn xã hội trước mối nguy hại, thì trong “tâm bão” của dịch bệnh, đã có rất nhiều các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân đã có nhiều hành động đẹp và quyên góp ủng hộ đất nước trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt phải kể đến hình ảnh những người dân bình dị sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để sản xuất, chế tạo và phát miễn phí khẩu trang, nước khử trùng cho người dân. Những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đầy ắp nghĩa tình của không ít người, từ em nhỏ đến người nổi tiếng đã không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực - nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích: cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi hình ảnh, hành động đẹp được nhân lên từng ngày, được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, gửi đi những thông điệp nhân văn, nghĩa tình.
 Những người ở tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh chính là đội ngũ y bác sĩ. Những “thiên thần áo trắng” trong bộ đồ bảo hộ “kín mít”, nhìn và đối thoại với đồng nghiệp qua ánh mắt, cử chỉ, hành động; tạm gác lại tình thân và gia đình để “trực chiến”, tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Đó còn là những nhà khoa học sẵn sàng đối diện với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của vi-rút, điều chế vắc-xin phòng dịch. Công việc thầm lặng của “những chiến sĩ trên tuyến đầu” chống dịch đã để lại những cảm xúc yêu thương, trân trọng của mọi người, góp phần lan tỏa tình vị tha, lòng nhân ái trong cộng đồng.
Có thể nói, những hình ảnh đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong “chiến dịch” phòng chống Covid-19 những ngày qua, đã giúp nhân dân vững tin hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; gia tăng sức mạnh, niềm tin, tạo động lực lớn để mỗi người vượt qua khó khăn, hiểm họa, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, bình an và hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp trên thì lợi dụng việc người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, khử trùng, một số cá nhân, tổ chức đã găm hàng, tăng giá, thậm chí sản xuất khẩu trang giả, kém chất lượng để bán cho người dân với giá cao. Lợi dụng sự lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, nhiều tài khoản đã đăng tải những hoàn cảnh đáng thương rồi kêu gọi ủng hộ, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để trục lợi… Kinh doanh, trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của xã hội, trước sinh mạng của người khác là hành vi thiếu đạo đức và cần được lên án, xử lý nghiêm để răn đe và ngăn chặn kịp thời.
Bên cạnh đó, trong những ngày qua, một số trường hợp đi từ vùng có dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam đã trốn khai báo y tế, hoặc khai báo gian dối, không trung thực đã làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và khiến các cơ quan chức năng đã rất vất vả trong việc khắc phục hậu quả. Đáng chú ý, trong quá trình tập trung mọi lực lượng chống dịch, trong sự phối hợp “tác chiến” giữa các đơn vị chức năng còn bộc lộ sự thiếu chặt chẽ trong công tác kiểm dịch để xảy ra ổ dịch lớn và nguy hiểm nhất ở bệnh viện Bạch Mai đang có nguy cơ cao lây lan cộng đồng. Từ đêm ngày 28/3, bệnh viện Bạch Mai phải phong tỏa cách ly, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hơn 7.000 ca. Trong số 19 ca dương tính (tính đến sáng ngày 30/3/2020) bước đầu các chuyên gia y tế xác định nguồn lây nhiễm chính là từ ngoài vào Bệnh viện từ một công ty dịch vụ (chiếm 15/19 ca). Ban chỉ đạo quốc gia và thành phố Hà Nội, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương rà soát, kiểm đếm tất cả những người đã đến Bệnh viện từ ngày 10/3 đến 29/3 để tiến hành cách ly y tế tránh lây lan diện rộng. Theo các chuyên gia với tinh thần và cách thức nhanh chóng truy xét cụ thể đến từng cá nhân như trên ổ dịch mới ở Bệnh viện Bạch Mai sẽ được ngăn chặn kịp thời (kết quả xét nghiệm 6.650/7.264 mẫu của y, bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai đều âm tính).
Một số cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng cách ly y tế đã có các hành vi không hợp tác, từ chối, không chấp hành cách ly gia đình tại địa phương ra sân bay Nội Bài lên máy bay định sang Anh, bỏ trốn khỏi nơi cách ly tập trung, buộc lực lượng chức năng phải cử người theo dõi vận động, yêu cầu và cưỡng chế thực hiện cách ly. Thậm chí, một số còn có hành động chống đối, lăng mạ, xúc phạm Đảng, Nhà nước ta và những người thực thi công vụ… Một du học sinh, Việt kiều từ nước ngoài về Việt Nam bị cách ly có những phát ngôn thiếu văn hóa, lên tiếng chê bai, phàn nàn về chỗ ở cách ly đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngay trong những ngày thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đang thực hiện nguyên túc cách ly xã hội phòng dịch vẫn đâu đó một vài nơi vẫn tụ tập đông người, ra đường không đeo khẩu trang… cũng gây nên tâm trạng lo ngại cho nhiều người. Đó là những biểu hiện thờ ơ, mất cảnh giác, thiếu sự quan tâm hoặc thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.
III. TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
          1. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Kết quả thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm, với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chúng ta tin rằng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn, sớm ổn định và phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế.
Cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thứ hai, tập trung phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc: Ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả.
Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương, khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khoẻ nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm bệnh Covid-19. Cấp uỷ, chính quyền ở xã, phường, thị trấn phải phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an, quân sự, y tế, phối hợp chặt chẽ, tăng cường nắm chắc tình hình, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nhân lực để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bùng phát mạnh.Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch. Có chính sách động viên, hỗ trợ kịp thời những người tham gia phòng, chống dịch. Các địa phương có dịch phải ưu tiên mọi điều kiện, nguồn lực để chống dịch, dập dịch.
Thứ tư, tuyên truyền, thông tin kịp thời, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thứ năm, động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người lao động phải tạm ngừng việc, những người trong vùng dịch; phối hợp với các nước hỗ trợ kịp thời người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ sáu, tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh; có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân.
Thứ bẩy, thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN.Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, thường xuyên để các nước hiểu được chủ trương, chính sách của ta trong quá trình phòng, chống dịch bệnh.
Thứ tám, các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và các nội dung chỉ đạo trong Điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 14/3/2020 về tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở.
2. Một số nhiệm vụ và giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể
2.1. Về lĩnh vực tín dụng, tài chính, thuế
- Các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).
- Ban hành chính sách về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
- Các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; xem xét thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
2.2. Về các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp
Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt..; điều chỉnh chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừanhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.
2.3. Về lĩnh sản xuất kinh doanh, nhập khẩu
- Các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ;
- Đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (từ giữa năm 2020).
- Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ động thực hiện các giải pháp vượt qua khó khăn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực liên quan và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế. Bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hoá được thuận lợi.
2.4. Về lĩnh vực du lịch, hàng không
- Xây dựng chính sách cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; rà soát, xử lý đúng pháp luật về giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành hàng không.
- Ngay sau khi hết dịch, đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cấp quốc gia; phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước; mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, đề xuất việc miễn phí thị thực đối với khách du lịch đi theo Chương trình du lịch trọn gói đến hết năm 2020.
- Tăng cường truyền thông về du lịch an toàn, hình ảnh quốc gia thân thiện, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng chống dịch Covid-19 được các tổ chức quốc tế và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
2.5. Về lao động, việc làm
- Nắm chắc tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của người lao động nâng cao nhận thức về phòng chống dịch Covid-19.
- Thống kê và quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo từng địa phương, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch;
- Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.
2.6. Về công tác thông tin truyền thông
- Các cơ quan truyền thông phải kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng y bác sỹ - chiến sỹ trên tuyến đầu trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch; công tác tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khoẻ và đời sống của nhân dân.
- Tăng cường công tác đấu tranh với các hoạt động tuyên truyền thông tin sai sự thật; ngăn chặn sự lan truyền tin giả trên không gian mạng về dịch Covid-19.
- Ngay sau khi dịch được khống chế, tăng cường truyền thông các chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
IV. ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN
Cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều bệnh nhân dương tính với vi-rút đã được điều trị, xuất viện, trở lại cuộc sống bình thường. Những tín hiệu vui mừng đó chính là “liều thuốc tinh thần’ hữu hiệu trấn an tâm lí người dân, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, học tập… Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Italia, Hàn Quốc,… lại có những biến động bất thường với số ca nhiễm mới và tử vong có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân một số nội dung sau:
(1) Quán triệt và thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoàivề tinh thần đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt chú trọng tinh thần tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm của dịch bệnh.
(2) Tuyên truyền sự gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ với nhân dân. Chú trọng tuyên truyền nội dung sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đã trở thành cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng từng bước nhận diện, khoanh vùng và dập tắt dịch bệnh, tạo môi trường, không gian lành mạnh cho toàn dân. 
(3) Trong xã hội thông tin, bên cạnh “dòng” thông tin chính thống, hữu ích, thì những tin giả xuất hiện tràn lan trên internet và mạng xã hội thường gây hoang mang, lo lắng, bi quan cho không ít người. Những thông tin xấu, tin giả với mục đích “câu view”, xuyên tạc, bịa đặt cũng được coi là một loại “dịch bệnh xã hội” mà đôi khi tác hại của nó còn nguy hiểm hơn vi-rút. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân khi tiếp nhận thông tin là cần bình tĩnh, có bản lĩnh, trình độ để phân biệt, nhận diện đúng - sai. Từ đó lên án, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân.
(4) Chú trọng tuyên truyền những hình ảnh đẹp, những việc làm ý nghĩa nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong “chiến dịch” phòng chống Covid-19 trong thời gian qua, qua đó kêu gọi tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng.
*
*       *
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang là mối đe dọa gây nguy hại to lớn về nhiều mặt đối với xã hội. Trong phòng, chống dịch Covid-19, sự lãnh đạo của cấp ủy; sự ứng phó, điều hành của chính quyền; cùng thái độ, bản lĩnh của mỗi người dân sẽ quyết định sự thành bại. Khi “sức đề kháng” tinh thần của mỗi cá nhân, rộng ra là cả dân tộc khỏe mạnh, triệu con tim chung nhịp đập quyết tâm, đồng hành vượt khó khăn, lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái, thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, đất nước sẽ tiếp tục “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”./.


Post a Comment

0 Comments